Tư lệnh thứ 2 chỉ đứng sau Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un là ai?
Danh tính Tư lệnh thứ 2, người chỉ đứng sau Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, tới nay vẫn chưa được hé lộ.
CNN đưa tin, đảng Lao động Triều Tiên đã cho sửa đổi những quy định để thành lập Tư lệnh thứ 2, người chỉ đứng sau Chủ tịch Kim Jong-un. Vị trí Tư lệnh thứ 2 được công bố hồi tháng Một trong Đại hội lần thứ 8 của đảng Lao động Triều Tiên. Tuy nhiên, cho tới nay, thông tin ai là người nắm giữ chức vụ Tư lệnh thứ 2 vẫn chưa được công bố.
Các chuyên gia nhận định, ứng viên cho chức vụ trên có thể là Jo Yong-won hoặc Kim Tok-hun, 2 quan chức cấp cao trong chính phủ Triều Tiên. Ông Jo hơn 60 tuổi và là một trong những quan chức thân tín nhất của ông Kim Jong-un. Ông Jo hiện giữ chức Bí thư thứ nhất đảng Lao động Triều Tiên. Ông Jo cũng thường xuyên được nhìn thấy đứng cạnh ông Kim Jong-un trong các bức ảnh được truyền thông Triều Tiên công bố. Còn ông Kim Tok-hun hiện là Thủ tướng Triều Tiên.
Tư lệnh thứ 2 chỉ đứng sau Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vẫn đang là ẩn số. (Ảnh: Reuters) |
Theo những thông tin được truyền thông Triều Tiên đăng tải, trong năm nay, ông Jo và ông Kim Tok-hun đã chủ trì các cuộc họp và thực hiện nhiều chuyến thăm chính thức trên cả nước. Trong khi đó, nhiệm vụ này trước đây do ông Kim Jong-un đảm nhận.
Một số nhà phân tích nhận định, chỉ các thành viên thuộc Ủy ban Thường trực Hội đồng Nhân dân Tối cao, cơ quan có quyền lực cao nhất của đảng Lao động Triều Tiên, mới đủ tiêu chuẩn để giữ chức Tư lệnh thứ 2. Do đó, theo ông Lim Eul-chul, Giáo sư tại Đại học Kyungnam, bà Kim Yo-jong, em gái Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, sẽ không đủ tiêu chuẩn để giữ chức Tư lệnh thứ 2.
Ông Lim nhấn mạnh thêm, bà Kim Yo-jong có tầm ảnh hưởng “tương đương với người có quyền lực thứ 2 ở Triều Tiên”, nhưng em gái Chủ tịch Kim hiện không giữ chức vị cao nào trong đảng Lao động.
Còn theo ông Lee Jong-seok, cựu Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc, bà Kim Yo-jong có thể đảm nhận vai trò là người quyền lực thứ 2 ở Triều Tiên trong trường hợp khẩn cấp. Như hồi năm ngoái, Chủ tịch triều Tiên Kim Jong-un từng biến mất bí ẩn trong vài tuần và làm dấy lên mối nghi ngờ về việc ông này gặp vấn đề về sức khỏe.
Một số nhà phân tích cho rằng, việc ông Kim Jong-un chọn người ngoài gia tộc để kế thừa quyền lãnh đạo là rất khó xảy ra. Ngoài ra, ông Kim mới ngoài 30 tuổi nên việc nghĩ tới người thừa kế còn quá sớm.
Thay vào đó, ông Kim sẽ chia sẻ bớt công việc cho các trợ lý. Như trong năm ngoái, một số nguồn tin cho biết ông Kim đã giao cho em gái là bà Kim Yo-jong giám sát “chuyện chung của quốc gia” và đây chính là cách để giảm tải bớt việc cho nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Theo Yonhap, nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn đảng Lao động Triều Tiên có vai trò lớn hơn trong chính phủ.
Nhiều chuyên gia nhận định, ông Kim từng đặt kỳ vọng lớn vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Triều Tiên. Tuy nhiên, kế hoạch của nhà lãnh đạo Triều Tiên bị sụp đổ do sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 khiến nước này đóng cửa tất cả các đường biên giới từ đầu năm 2020. Thậm chí, Triều Tiên còn đang đối mặt với nạn đói, nhưng chính quyền Bình Nhưỡng vẫn nhất quyết từ chối nhận hàng cứu trợ do lo ngại nguy cơ lây lan virus corona.
Trong khi đó, mối quan hệ giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ tiếp tục rơi vào cảnh nguội lạnh, dù cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng 3 lần gặp gỡ ông Kim Jong-un và Chủ tịch Triều Tiên cũng 3 lần họp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Còn hiện tại, chính quyền của Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh Mỹ sẽ đưa ra các biện pháp “thực tế” để tiến tới giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Vào ngày 30/4, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho hay chính quyền của Tổng thống Biden cũng đã hoàn thành quá trình tái xem xét chính sách đối ngoại với Triều Tiên. Theo bà Psaki, mục tiêu của Mỹ là giải trừ hoàn toàn hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, nhưng chính sách của chính quyền Mỹ đương nhiệm “sẽ không tập trung vào việc mặc cả, cũng như không còn dựa vào sự kiên nhẫn chiến lược”.
Trước đó, từ giữa tháng Hai, Mỹ đã có những nỗ lực nối lại liên lạc với Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng vẫn bật vô âm tín. Tới tháng Ba, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên cho hay Triều Tiên sẽ tiếp tục phớt lờ Mỹ, cho tới khi Washington từ bỏ chính sách thù địch với Bình Nhưỡng.
Thực hư Triều Tiên sở hữu 'vũ khí' còn nguy hiểm hơn cả tên lửa?
Các hacker của Triều Tiên bị giới chuyên gia đánh giá là "vũ khí" còn nguy hiểm hơn cả dàn tên lửa mà Bình Nhưỡng đang nắm trong tay.
Minh Thu (lược dịch)