Từ chối mua bảo hiểm cháy nổ vì sợ "điềm gở"
Từ chối mua bảo hiểm cháy nổ vì sợ "điềm gở"
>> Lửa ngút trời thiêu rụi chợ Quảng Ngãi
>> "Cháy chợ Quảng Ngãi không khác gì thảm họa"
>> Tiền cháy ở chợ Quảng Ngãi đủ điều kiện mới đổi được
>> Chợ đầu mối ở TP.HCM: "Cháy khỏi cứu"
>> Cháy chợ Quảng Ngãi: Nhiều tiểu thương ở TP.HCM "vạ lây"

Tiểu thương mới chỉ lo bảo vệ tài sản trước mắt mà làm ngơ với bảo hiểm cháy nổ (Ảnh: Hiện trường vụ cháy chợ Hoàng Hoa Thám - Q. Tân Bình)
“Lắc đầu” với bảo hiểm
Có mặt tại chợ An Đông (Q.5) vào sáng ngày 22/2 khi PV Infonet đề cập đến vấn đề bảo hiểm sau nhiều vụ cháy chợ gần đây, thì đều nhận được những các lắc đầu, xua tay rất khó chịu.
Chủ sạp vải Hồng Hương cau mày: “Đang buôn bán ngon lành nhắc tới chuyện cháy chợ làm gì. Không mua bảo hiểm là không mua”. Một tiểu thương bên cạnh giải thích: "Những người buôn bán quan niệm rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên rất sợ khi nói đến những từ gở như “cháy”. Bởi vậy nên dù chưa bán được hàng hoặc đắt hàng mà đã mua bảo hiểm cháy thì đó là điềm xui".
Còn tiểu thương tại chợ Bình Tây (Q.6) lại cho hay không dại gì mà mua bảo hiểm khi đã có Ban quản lý chợ lo từ A đến Z. Chủ sạp quần áo Thuận Hưng cho biết: “Chúng tôi đã đóng tiền nên Ban quản lý chợ sẽ có trách nhiệm bảo vệ hàng hóa cho mình. Hơn nữa, sạp cũng chuẩn bị bình chữa cháy phòng khi có sự cố rồi nên tôi sẽ không bao giờ bỏ tiền ra mua bảo hiểm làm gì cả”.
Tương tự, tại chợ Kim Biên (Q.5), chợ Bến Thành (Q.1), nhiều tiểu thương cũng lắc đầu nguây nguẩy vì không thấy ai mua nên cũng nghĩ bảo hiểm cháy nổ là không cần thiết.
Trao đổi với PV, ông Lê Hoàng Định, Phó Ban quản lý chợ Bến Thành cho biết, sau vụ cháy chợ Quảng Ngãi, chợ mới chỉ vận động các tiểu thương đề cao cảnh giác, bảo vệ tài sản trước mắt của mình còn bảo hiểm cháy nổ… thì không “mặn mà” lắm.
“Hiện chợ Bến Thành có 16 cửa ra vào đều có hệ thống chứa 32 khối nước luôn đầy đủ, sẵn sàng nếu không may xảy ra sự cố. Hơn nữa, chúng tôi thường xuyên triển khai kế hoạch huấn luyện và diễn tập PCCC cho đội ngũ cán bộ và 36 tổ ngành hàng. Mỗi đợt từ 1 – 2h để bà con tiểu thương nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực nỗ lực phòng bị trong việc kiểm soát tất cả mọi rủi ro”, ông Định cho biết thêm.
Doanh nghiệp bảo hiểm “bó tay”
Theo bà Đỗ Thị Kim Liên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA, nguy cơ về cháy nổ luôn rình rập tại các chợ nhưng khi phải bỏ ra một khoản phí nhỏ để mua bảo hiểm thì họ lại từ chối vì bảo hiểm chỉ có tác dụng khi có tổn thất xảy ra. Vì vậy mà khi công ty triển khai bán bảo hiểm cháy nổ cho nhà lồng chợ và các tiểu thương trên địa bàn cả nước, dù thuyết phục đến “toát cả mồ hôi” mà đến nay vẫn chưa có kết quả gì.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại ngại bán bảo hiểm cho tiểu thương. Nguyên nhân là do khi nhìn cảnh buôn bán tại các chợ hiện nay thì nguy cơ cháy nổ là rất cao nên khả năng rủi ro cho doanh nghiệp cũng khá cao. Đó là chưa kể rất khó để xác định được số tài sản của tiểu thương bao gồm nhiều hay ít sau mỗi sự cố xảy ra.
Theo Đại tá Lê Tấn Bửu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC tại TP.HCM, hiện TP.HCM có mật độ chợ lớn nhất cả nước, với hơn 161 chợ, hàng ngày một lượng lớn người dân đến đây tham gia trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, chợ nào cũng trong tình trạng mất an toàn về cháy nổ.
Cụ thể như Chợ Bà Chiểu, Q. Bình Thạnh, có khoảng 1.500 quầy sạp, bình quân mỗi quầy sạp chỉ rộng khoảng từ 1,2 – 1,5 m2. Thậm chí ngay cả Chợ Dân Sinh, Q.1, là loại chợ nhỏ ở trung tâm TP, nhưng có đến khoảng 6.500 quầy sạp chen chúc nhau.
Đáng lo ngại nhất là tình trạng bà con tiểu thương thường dùng loại cửa tôn cuốn che kín toàn bộ quầy sạp vào ban đêm khi nghỉ buôn bán."Điều này rất nguy hiểm vì nếu xảy ra cháy bên trong một quầy sạp nào đó, công tác phát hiện kịp thời lúc mới xảy ra cháy là rất khó cho Ban quản lý cũng như bảo vệ chợ. Đến khi đám cháy bùng phát lớn, thì các quầy sạp được che kín bằng cửa tôn cuốn này cũng là những “lá chắn” đối với các vòi rồng chữa cháy”, Đại tá Lê Tấn Bửu khuyến cáo.
Thúy Ngà