Từ 1/7, nhập khẩu Hà Nội và TP.HCM dễ hơn nhiều, lưu ý để tránh bị xóa hộ khẩu
Từ hôm nay (1/7), điều kiện để người dân đăng ký thường trú dễ hơn, đồng thời cũng mở rộng thêm các trường hợp bị xóa hộ khẩu.
Kể từ ngày hôm nay (1/7) là mốc thời gian rất quan trọng, khi mà cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức đưa vào vận hành. Kèm theo đó là nhiều quy định mới quan trọng liên quan đến cư trú cũng có hiệu lực.
Đây được cho là bước đột phá trong công tác quản lý dân cư của Bộ Công an nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân.
Từ ngày 1/7, điều kiện đăng ký thường trú dễ dàng hơn nhưng cũng có thêm nhiều trường hợp sẽ bị xóa đăng ký thường trú so với trước đây. (Ảnh: TM) |
Nhập hộ khẩu vào TP.HCM, Hà Nội dễ hơn rất nhiều
Điểm mới nổi bật đầu tiên, đó chính là quy định về điều kiện đăng ký thường trú (ĐKTT).
Cụ thể, Theo Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi năm 2013), trường hợp ĐKTT tại các TP trực thuộc trung ương, ngoài việc có chỗ ở hợp pháp còn phải có thời gian tạm trú từ một năm trở lên (nếu ĐKTT ở huyện, thị xã) hoặc tạm trú từ hai năm trở lên (nếu ĐKTT ở quận).
Riêng tại Hà Nội, Luật Thủ đô năm 2012 quy định các trường hợp ĐKTT ở quận phải có thời gian tạm trú từ ba năm trở lên.
Do vậy, lâu nay việc nhập hộ khẩu thường trú vào các TP trực thuộc Trung ương như TP.HCM, Hà Nội luôn gắn với điều kiện tạm trú trong thời gian dài.
Tuy nhiên, Luật Cư trú năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/7) quy định điều kiện ĐKTT tại tất cả 63 tỉnh/thành là như nhau. Theo đó, công dân chỉ cần có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được ĐKTT tại chỗ ở hợp pháp đó.
Bên cạnh đó, công dân được ĐKTT tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong một số trường hợp. Người sinh sống, người làm nghề lưu động trên phương tiện được ĐKTT tại phương tiện đó khi đáp ứng một số điều kiện theo Điều 20 Luật Cư trú.
Ngoài ra, luật cũng quy định chi tiết về điều kiện ĐKTT đối với một số trường hợp khác. Chẳng hạn như chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ phải được chủ sở hữu đồng ý và phải đảm bảo diện tích chỗ ở không thấp hơn 8 m2/người…
Những trường hợp sẽ thu hồi sổ hộ khẩu
Kể từ ngày 1/7, cơ quan công an không cấp mới sổ hộ khẩu (SHK), sổ tạm trú. SHK, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị cho đến hết ngày 31/12/2022. Các sổ này sẽ được thu lại khi công dân đi làm các thủ tục liên quan đến cư trú.
Cụ thể, khi công dân thực hiện các thủ tục ĐKTT, điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa ĐKTT, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong SHK, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi SHK, sổ tạm trú đã cấp. Đồng thời, cơ quan này điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú và không cấp mới, cấp lại SHK, sổ tạm trú.
Bổ sung 06 trường hợp bị xóa thường trú
Ngoài các trường hợp bị xóa ĐKTT như hiện nay, Luật Cư trú năm 2020 bổ sung sáu trường hợp bị xóa ĐKTT.
Sáu trường hợp bổ sung có thể kể đến như: công dân vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng; trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng.
Công dân cũng có thể bị xóa ĐKTT trong trường hợp đã ĐKTT tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác (bán nhà) mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa ĐKTT tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho ĐKTT tại chỗ ở đó…
Chi tiết sáu trường hợp được bổ sung mới bị xóa ĐKTT được quy định từ điểm d đến điểm i khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú năm 2020.
Như vậy, có thể thấy theo quy định mới thì điều kiện ĐKTT dễ hơn, đồng thời cũng bổ sung nhiều trường hợp bị xóa ĐKTT. Việc này giúp tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân, đồng thời giúp cho cơ quan quản lý cư trú nắm sát thực tế nhân khẩu trên địa bàn của mình.
Những lưu ý để không bị xóa hộ khẩu Luật Cư trú năm 2020 đã mở rộng thêm nhiều trường hợp công dân có thể bị xóa hộ khẩu thường trú. Do vậy, người dân cần lưu ý vài trường hợp hay gặp để tránh được việc bị xóa hộ khẩu thường trú. Thứ nhất, luật mới quy định khi công dân đã ĐKTT tại một chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó chuyển quyền sở hữu cho người khác (bán nhà) mà sau 12 tháng kể từ ngày bán nhà không ĐKTT tại chỗ mới thì sẽ bị xóa ĐKTT. Trong trường hợp này, sau khi bán nhà, trong vòng một năm chưa đăng ký được hộ khẩu ở chỗ mới thì công dân nên thương lượng với chủ sở hữu mới đồng ý cho tiếp tục ĐKTT tại đó. Thứ hai, luật mới quy định trường hợp công dân vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên (trừ trường hợp đang chấp hành án, đi cai nghiện tập trung, xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải định cư…) cũng là một trong các căn cứ để cơ quan công an có thể xóa hộ khẩu. Để tránh bị xóa hộ khẩu trong trường hợp này, công dân phải thực hiện một trong hai cách sau: Một là phải thực hiện đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác. Hai là tiến hành khai báo tạm vắng với cơ quan công an. Thứ ba, luật mới quy định công dân đã ĐKTT ở nhà thuê, nhà trọ nhưng sau đó chấm dứt việc thuê, chuyển đi nơi khác cũng có thể sẽ bị xóa hộ khẩu. Trong trường hợp này, có hai cách để không bị xóa hộ khẩu. Một là sau khi chuyển đi, công dân có thể xin người cho thuê đồng ý cho giữ ĐKTT tại chỗ ở đó. Cách khác là trong vòng một năm kể từ ngày chấm dứt việc thuê nhà, thuê trọ thì công dân phải ĐKTT tại chỗ ở khác. Luật sư LÊ DŨNG, Đoàn Luật sư TP.HCM |
Theo plo.vn