Trường hợp mới phát hiện dương tính nCov ở Hà Nội, khu cách ly có vội vàng cho về?
Theo thông báo của CDC Hà Nội, quận Cầu Giấy phát hiện 1 ca dương tính với nCov. Bệnh nhân đi từ Nga về và đã cách ly tập trung đủ 14 ngày sau khi trở về cộng đồng.
Đó là trường hợp nam thanh niên, 21 tuổi, từ Nga trở về Việt Nam vào ngày 10/8. Sau khi nhập cảnh, người này đã được chuyển cách ly tập trung tại Trung đoàn 125, thành phố Chí Linh, Hải Dương.
Trong thời gian cách ly, anh có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2. Đến ngày 24/8, bệnh nhân được CDC Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm lần 2 gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Sáng 25/8, sau khi hết thời hạn cách ly 14 ngày, bệnh nhân được Trung đoàn 125 cho về nhà tại đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội. Tuy nhiên, trong ngày 25/8, Viện Vệ Sinh Dịch tễ Trung ương báo cáo mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân lấy ngày 24/8 cho kết quả dương tính với Sars-Cov-2.
Bệnh nhân đã được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 ở Đông Anh, Hà Nôi. Bệnh nhân được xác định tiếp xúc với các thành viên trong gia đình gồm 6 người.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đồng Phú Khiêm – Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương bệnh nhân dương tính sau nhiều lần xét nghiệm âm tính không phải là hiếm.
Trường hợp mới phát hiện dương tinh nCov ở Hà Nội, khu cách ly có vội vàng cho về? |
Bác sĩ Khiêm cho biết sau khi nhiễm virus, thời gian ủ bệnh sẽ kéo dài trong 5-7 ngày, khi hết thời gian ủ bệnh, người bệnh sẽ có dấu hiệu lâm sàng, có virus ở khu vực hầu họng và virus sẽ tồn tại ở đó trong 2-3 tuần, lấy mẫu trong thời gian này thì kết quả chính xác hơn.
Tuy nhiên, có những người ủ bệnh 17-24 ngày. Chính vì thời gian ủ bệnh này nên những người có yếu tố nguy cơ mới được khuyến cáo cần cách ly đủ 14 ngày. Những người được xác định là F1 thì còn phải cách ly thêm 2 tuần nữa. Như vậy, để an toàn thì phải cách ly đủ 28 ngày. Ngay kể cả những bệnh nhân điều trị Covid-19, khi công bố khỏi bệnh vẫn tiếp tục theo dõi sau 28 ngày tiếp theo.
Xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính trong thời gian cách ly hoàn toàn bình thường. Bác sĩ Khiêm cho biết theo thời gian ủ bệnh thì bệnh nhân này có thể lây trong thời gian ở Nga vì khi xét nghiệm lần 1 virus vẫn đang “ngủ” chưa có trong hầu họng nên làm xét nghiệm không thấy virus.
Bác sĩ Khiêm cho biết độ nhạy, độ đặc hiệu của xét nghiệm Realtime PCR là rất ổn định, nhưng kết quả xét nghiệm còn phụ thuộc vào thời điểm và cả kỹ thuật lấy mẫu.
Bác sĩ Khiêm cho biết trường hợp này chưa có kết quả xét nghiệm lần cuối cùng đã trở về cộng đồng từ khu cách ly có thể đã quá chủ quan, vội vàng. Vì vậy, những người cách ly cùng phòng và gia đình người bệnh đều được coi là F1 và tiếp tục phải cách ly thêm 14 ngày.
Những trường hợp đặc biệt, như ở cùng phòng với bệnh nhân dương tính, tiếp xúc với bệnh nhân, có dấu hiệu lâm sàng, có dấu hiệu hoặc yếu tố nghi ngờ... thì số lượng xét nghiệm sẽ nhiều hơn, thời gian cách ly cũng sẽ dài hơn bình thường.
Những người thuộc diện F2, F3 hoặc người có liên quan tới vùng có dịch chỉ cần xét nghiệm 1 lần, nếu có kết quả âm tính có thể xác định được không mắc bệnh.
Khánh Chi
Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android
Link tải Bluezone trên iOS
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.