Trung Quốc thử nghiệm tên lửa đánh chặn
Trong bài viết của mình, Tân Hoa Xã dẫn lời một quan chức của Cục Thông tin, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết: “Vụ thử đã đạt được mục tiêu sơ bộ”. Vị quan chức này cũng nói thêm rằng: “Vụ thử nghiệm về bản chất chỉ có tính phòng vệ và không nhắm tới quốc gia khác”.
Tên lửa Đông Phong 21D của Trung Quốc. |
Đây là vụ thử tên lửa thứ hai mà Trung Quốc chính thức thông báo. Một vụ thử tên lửa đánh chặn tương tự cũng được tiến hành thành công vào tháng 1/2010.
Tờ Hoàn Cầu cho biết vụ thử được hoàn thành “vài giờ sau khi Hoa Kỳ tiến hành phóng thử tên lửa đánh chặn của họ”.
Lan Yun, một nhà quan sát quân sự và biên tập tạp chí Modern Ships cho biết: “Trung Quốc vẫn còn rất lâu nữa mới tạo nên một lá chắn tên lửa có thể hoạt động được. Trong khi Hoa Kỳ đã tiến hành ít nhất 16 vụ thử tên lửa đánh chặn thì Trung Quốc cho đến nay mới tiến hành được 2 vụ. Ngay cả hệ thống GMD (hệ thống tên lửa đánh chặn phóng từ mặt đất) còn vẫn chưa hoàn thiện”.
Trên tờ Diplomat, tác giả Harry Kazianis bình luận rằng: “Các nhà làm chính sách Trung Quốc rõ ràng đang theo đuổi năng lực phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) và những nỗ lực không dừng lại của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này cho thấy cho thấy kể cả một siêu cường cũng vẫn phải tăng cường năng lực bảo vệ an ninh của mình trước những mối đe dọa tên lửa ngày càng gia tăng của nước ngoài”.
“Xét tới việc họ không sẵn lòng mở rộng uy tín chính trị và dành ưu tiên cho những lợi ích có tính chiến lược nhằm đối phó với chương trình chế tạo, thử nghiệm và phô trương vũ khí hạt nhân và tên lửa ngày càng có tính khiêu khích của đồng minh Triều Tiên. Trung Quốc phải chấp nhận rằng hành vi của Bình Nhưỡng là yếu tố then chốt khiến Hoa Kỳ xây dựng và điều động hệ thống BMD”, ông Kazianis viết tiếp.
“Về phần mình, các nhà làm chính sách của Mỹ phải nhận ra rằng BMD không phải là “thần dược” và miễn phí. Hệ thống đó rất tốn kém, không phủ kín mục tiêu và chỉ khuyến khích chứ không làm Trung Quốc nản chí trong việc cải tiến năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo chiến lược. Mặc dù hệ thống này rất hữu ích trong việc hạn chế thiệt hại từ hành động khiêu khích của các quốc gia chế tạo tên lửa đạn đạo như Triều Tiên và Iran, BMD không thể được dùng để phủ nhận vị thế cường quốc tên lửa mà Trung Quốc quyết tâm và ngày càng có khả năng đạt được năng lực”, tác giả Kazianis kết luận.