Trung Quốc phóng thử vũ khí hạt nhân “nguy hiểm nhất mọi thời đại"
Tên lửa DF-41, với tầm bắn vào khoảng 11.000km đến 12.000km, được Lầu Năm Góc coi là tên lửa hạt nhân lợi hại nhất của Trung Quốc và là một trong những tên lửa tầm xa mà nước này đang chế tạo hoặc đang được triển khai.
Trung Quốc đã tiến hành lần phóng thử tên lửa DF-41 trong tháng này. |
Đây là lần thử nghiệm tên lửa DF-41 thứ tư trong vòng 3 năm qua, điều đó cho thấy tên lửa này sẽ sớm đi vào hoạt động. Điều đáng chú ý là trong lần phóng thử này, hai đầu đạn có mục tiêu khác nhau đã được bắn đi từ tên lửa DF-41, chứng tỏ rằng nó sẽ được trang bị các loại đầu đạn có khả năng tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc (MIRV).
Việc Trung Quốc có trong tay công nghệ MIRV sẽ khiến nước này có thể phát triển các loại vũ khí hạt nhân nguy hiểm nhất trên thế giới.
Các tên lửa MIRV thường mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân khác nhau, mỗi đầu đạn sẽ được thiết lập một mục tiêu riêng. Chúng được coi là một vấn đề lớn trong chiến thuật quân sự bởi loại vũ khí này rất lợi hại khi tấn công trước.
Bên cạnh việc chúng có thể vượt qua các hệ thống phòng không, có hai lý do loại tên lửa này rất nguy hiểm. Thứ nhất, một tên lửa MIRV có thể sử dụng để loại bỏ những mục tiêu cần thiết, thường là những dàn phóng tên lửa dưới mặt đất. Do đó, trên lý thuyết, một nước có MIRV có thể loại bỏ các loại vũ khí hạt nhân chiến lược của nước khác mà không cần quá nhiều tên lửa. Thứ hai, tên lửa MIRV cũng cho phép một nước có thể tấn công nhiều lần vào một mục tiêu, qua đó gia tăng tỉ lệ sát thương.
Nói cách khác, tên lửa MIRV rất lợi hại bởi chúng có thể khiến nhiều mục tiêu quan trọng, cụ thể là những dàn phóng tên lửa hạt nhân, bị tiêu diệt nếu được sử dụng để bất ngờ tấn công trước. Đối với Trung Quốc, việc Bắc Kinh có công nghệ MIRV sẽ buộc Ấn Độ phải tăng gấp đôi kho vũ khí hạt nhân của mình, đồng thời phải rải rác tên lửa hạt nhân ở nhiều nơi hơn nữa để đề phòng Trung Quốc bất ngờ tấn công. Điều đó cũng sẽ khiến sự cân bằng hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan bị ảnh hưởng và sẽ buộc Islamabad có động thái đáp trả.
Việc Trung Quốc có công nghệ MIRV cũng rất có thể sẽ ảnh hưởng đến Nga. Trong lúc khả năng quân sự chính của Moscow đã suy giảm kể từ sau khi Liên Xô tan rã, Nga phụ thuộc rất nhiều vào vũ khí hạt nhân để bảo vệ đất nước. Do đó nước này phải đảm bảo rằng họ vẫn có lợi thế lớn trước những đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc. Nếu Trung Quốc có tên lửa MIRV, khoảng cách về sức mạnh hạt nhân giữa hai nước sẽ ngắn đi.
Tình báo Mỹ tin rằng DF-41 sẽ có thể mang theo 10 đầu đạn hạt nhân. Điều này có thể sẽ buộc Trung Quốc gia tăng sản xuất vũ khí hạt nhân. Cho đến nay, Trung Quốc và Ấn Độ (cùng một số nước khác có vũ khí hạt nhân trên thế giới) chỉ có một kho vũ khí tương đối nhỏ so với Nga và Mỹ.
Công nghệ MIRV sẽ khiến các nước châu Á đẩy mạnh sản xuất vũ khí hạt nhân. Vì lý do này, cùng với tầm xa và tính năng của nó, DF-41 là loại vũ khí hạt nhân nguy hiểm nhất trong các loại vũ khí của Trung Quốc.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.