Trung Quốc hung hăng ở khu vực tranh chấp, Nhật Bản điều vũ khí 'khủng'
Để đối phó trước sự hung hăng từ Trung Quốc, Nhật Bản sẽ lần đầu tiên triển khai tiêm kích F-35B bảo vệ quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Nhật Bản sẽ lần đầu tiên cho triển khai các chiến đấu cơ tàng hình F-35B vào năm 2024 để làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Đây được xem là quyết định nhằm ngăn chặn những mối đe dọa an ninh ngày càng lớn từ phía quân đội Trung Quốc đối với quần đảo tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Các nguồn tin chia sẻ với tờ Yomiuri cho hay, dàn F-35B đầu tiên sẽ đồn trú tại căn cứ không quân Nyutabaru của Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản ở phía nam tỉnh Miyazaki.
Trung Quốc hung hăng ở khu vực tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư, Nhật Bản quyết định điều tiêm kích F-35B đi bảo vệ. (Ảnh: SCMP) |
Căn cứ không quân Nyutabaru nằm cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc khoảng 1.030 km về phía đông bắc.
Trong những năm gần đây, lực lượng hải cảnh Trung Quốc không ngừng gia tăng hoạt động gần Senkaku/Điếu Ngư khiến Tokyo vô cùng quan ngại. Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản, song Trung Quốc nhiều lần khẳng định khu vực này là một phần lãnh thổ quốc gia và thường xuyên điều động tàu thuyền tới giám sát.
Gần đây nhất, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo hôm 4/4, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc được dàn tàu chiến hỗ trợ di chuyển qua vùng biển nằm giữa đảo Okinawa và đảo Miyako thuộc tỉnh Okinawa. Đây là lần đầu tiên tàu sân bay Liêu Ninh di chuyển qua khu vực này trong vòng 1 năm qua. Tuy nhiên, dàn chiến hạm Trung Quốc không tiến vào vùng lãnh hải của Nhật Bản.
Trong khi đó, tiêm kích tàng hình F-35B là phiên bản máy bay chiến đấu có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng do Mỹ sản xuất. Những chiếc F-35B đầu tiên sẽ hoạt động trên tàu sân bay trực thăng JS Kaga của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Đáng nói, tàu JS Kaga dự định sẽ được nâng cấp lên thành tàu sân bay trong tương lai.
Các phi công Nhật Bản cũng đang tham gia khóa huấn luyện sử dụng chiến đấu cơ tối tân F-35B, nhưng nhiều nguồn tin cho biết, thách thức mà phi công gặp phải là rất nhiều. Nguyên nhân là do phi công Nhật Bản chưa từng điều khiến các chiến đấu cơ cất cánh và hạ cánh thẳng đứng hoạt động trên tàu sân bay ở giữa biển.
Giá thành của một chiếc F-35B là 13 tỉ yen (117 triệu USD). Phi đội F-35B đầu tiên được Mỹ chuyển giao cho Nhật Bản gồm 18 chiếc và Nhật Bản đã có kế hoạch mua tổng cộng 42 chiếc.
Ông Garren Mulloy, Giáo sư chuyên ngành các mối quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunka của Nhật Bản, nhận định dàn chiến đấu cơ F-35B sẽ hoạt động cùng các tàu chiến lớp Izumo và những chiến hạm tối tân sau này của quân đội Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng phòng vệ và tấn công ở khu vực tây nam.
“Các chiến đấu cơ tàng hình F-35B sẽ hoạt động gần với lữ đoàn đổ bộ nằm cách không xa căn cứ hải quân ở Sasebo. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng muốn tái điều chuyển máy bay vận tải Osprey tới tỉnh Saga trong tương lai gần. Động thái này nhằm xây dựng nền tảng cho dàn vũ khí hải quân, các đơn vị tấn công, máy bay vận tải và chiến đấu cơ ở cùng một khu vực”, ông Mulloy nhận định.
Dù các hòn đảo thuộc tỉnh Okinawa nằm gần hơn với quần đảo đang xảy ra tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, song theo ông Mulloy, quân đội Nhật Bản vẫn chỉ giới hạn năng lực của tỉnh Okinawa ở công tác hậu cần. Trong đó, sân bay Naha đang là nơi phục vụ 3 lực lượng của quân đội Nhật Bản, Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản và cũng là cửa ngõ để đón du khách.
Trong thời gian gần đây, chính phủ Mỹ - Nhật đã tiến hành thảo luận về việc triển khai các cuộc tập trận chung quy mô lớn nhằm tăng cường năng lực bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hôm 28/2, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận Senkaku/Điếu Ngư nằm trong Khoản 5 của hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Theo Khoản 5, Mỹ sẽ bảo vệ các vùng lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của chính phủ Nhật Bản trước những vụ tấn công quân sự.
Tuy nhiên, Washington vẫn giữ quan điểm trung lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung – Nhật bằng tuyên bố chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư là vấn đề giữa các bên liên quan.
Thậm chí, hôm 5/4, Kyodo dẫn tài liệu mật từ Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ cho hay vào tháng 6/1978, Washington đã chỉ đạo lực lượng hải quân dừng sử dụng trường bắn mà Nhật Bản cung cấp ở căn cứ huấn luyện nằm trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trước mối quan ngại bị lôi kéo vào căng thẳng tranh chấp chủ quyền Trung – Nhật.
Tàu hải cảnh Trung Quốc ngày ngày lại gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản
Trong tháng Hai, các tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tới 26 ngày.
Minh Thu (lược dịch)