Trung Quốc gặp những khó khăn gì trong việc chế tạo tàu sân bay mới?
Theo một số thông tin, Trung Quốc đã thực hiện một chương trình tàu sân bay lớn, với mục tiêu chế tạo bốn tàu cùng ít nhất 6 đội tàu hộ tống nữa. Các chuyên gia Trung Quốc cho biết, Hải quân nước này cần ít nhất 3 đội tàu để có thể đảm bảo tàu sân bay có thể thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. |
Những kinh nghiệm thu được trong việc vận hành tàu Liêu Ninh sẽ được áp dụng trong các tàu chiến tiếp theo. Tuy nhiên, thách thức đối với các tàu này không phải nằm ở vấn đề thiết bị mà là thiết kế. Con tàu sân bay mới của Trung Quốc về cơ bản sẽ mô phỏng các mẫu tàu của Liên Xô trước đây, và đây là cách duy nhất để Hải quân nước này sớm có được một chiếc tàu mới.
Hải quân Trung Quốc đã có trong tay 8 xe tải chứa đầy các bản thiết kế chi tiết của tàu Liêu Ninh từ xưởng đóng tàu ở Ukraine. Chúng sẽ là nền tảng của dự án hiện tại bởi Trung Quốc đang đối mặt với một vấn đề mà hải quân các nước trên thế giới đã từng trải qua. Giới hạn lớn nhất trong việc phát triển hải quân trong thời đại công nghiệp không phải là ngân sách hay những hiệp ước giải giáp vũ khí, mà là chuyên môn cần thiết để biến những ý tưởng ban đầu thành những bản vẽ chi tiết của từng khoang trên tàu, qua đó xưởng đóng tàu mới có thể bắt đầu công việc.
Bên cạnh đó, mặc dù Trung Quốc đang tiến hành nhiều kế hoạch nhằm nắm rong tay các công nghệ quân sự của nước ngoài, các xưởng đóng tàu vẫn cần phải tìm và đào tạo những người có trình độ trong nước về mặt thiết kế với số lượng lớn trong thời điểm hải quân nước này đang cần chế tạo nhiều loại tàu chiến khác nhau, bao gồm tàu ngầm, tàu tuần dương, chiến hạm, tàu khu trục, tàu đổ bộ, tàu vận tải và các loại tàu nhỏ. Vào thời điểm hiện tại, dự án tàu ngầm hạt nhân và thường hiện đang được Trung Quốc ưu tiên hơn và do đó phần lớn nhân lực đều được tập trung vào đây.
Vì vậy, gần như chắc chắn rằng tàu sân bay mới sẽ gần như là một bản sao của mẫu tàu do Liên Xô chế tạo. Qua đó, xưởng đóng tàu Dalian của Trung Quốc cũng có những kinh nghiệm nhất định, đồng thời cho phép hãng này có thời gian để phát triển các mẫu tàu mới sau này.
Tham vọng của Trung Quốc càng lớn thì công đoạn thiết kế và chế tạo sẽ càng dài. Ví dụ, tàu sân bay mới sẽ cần một loại thiết bị hỗ trợ cất cánh máy bay hiện đại. Theo một số nguồn tin, Trung Quốc bày tỏ sự quan tâm đối với hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS) cùng các công nghệ khác mà Hải quân Mỹ đang phát triển cho tàu sân bay tiếp theo của họ là USS Gerard Ford.
Hiện tại, Trung Quốc chỉ sử dụng máy bay J-15 (phiên bản hoạt động trên biển) trên tàu Liêu Ninh. |
Ngoài ra, khả năng thực sự của tàu sân bay còn phụ thuộc vào các phi cơ chiến đấu trên biển. Hiện tại, các máy bay sử dụng trên mẫu hạm mà Trung Quốc đang có hiện có khả năng chiến đấu còn hạn chế. Cho đến nay, tất cả các đoạn phim ghi lại hoạt động của tàu Liêu Ninh chỉ có sự xuất hiện của máy bay J-15 trên tàu.
Trung Quốc vẫn cần các loại máy bay cảnh báo sớm và máy bay chống tàu ngầm, cũng như các phi cơ tiêm kích có khả năng chống bị nhiễu. Hải quân Trung Quốc cũng phải đầu tư hơn nữa vào các máy bay trực thăng, một phần là để hỗ trợ các máy bay cảnh báo sớm, đồng thời có thể hoạt động ở cả tàu sân bay và tàu hộ tống. Để có thể phát triển các loại khí tài trên, Trung Quốc sẽ phải mất ít nhất một thập kỷ, chưa kể đến việc các công nghệ quân sự sẽ tiếp tục thay đổi.
Sau cùng, chương trình tàu sân bay của Trung Quốc sẽ không nhằm vào Mỹ. Hải quân Trung Quốc hiểu rất rõ rằng tàu Liêu Ninh và các tàu hộ tống của họ vẫn thua xa so với Mỹ. Do đó, các tàu sân bay Trung Quốc sẽ là nhằm gây sức ép đối với các nước lân cận trên biển thay vì đối đầu trực tiếp với Mỹ. Nhiều khả năng tàu sân bay của Trung Quốc sẽ chưa thể được đưa vào sử dụng trước năm 2025.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.