Trung Quốc 'dội gáo nước lạnh' vào Đức
Trung Quốc "dội gáo nước lạnh" vào Đức khi từ chối để tàu hộ vệ Bayern cập cảng Thượng Hải.
Bộ Ngoại giao Đức hôm 15/9 cho biết, Trung Quốc đã từ chối lời đề nghị để một trong số tàu chiến Đức tham gia hành trình tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương được cập cảng ở Thượng Hải.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), tàu hộ vệ Bayern trọng tải 4.000 tấn khởi hành từ Wilhelmshaven vào ngày 2/8 để thực hiện hành trình dài 6 tháng tới Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm tăng cường sự hiện diện của quân đội Đức ở khu vực. Đây là chuyến đi biển đầu tiền của hải quân Đức trong vòng 20 năm qua. Tuy nhiên, bắc Kinh đã từ chối lời đề nghị từ phía Berlin về việc để tàu Bayern được cập cảng Thượng Hải.
![]() |
Trung Quốc từ chối để tàu hộ vệ Bayern của Đức cập cảng Thượng Hải. (Ảnh: Twitter) |
“Sau thời gian cân nhắc, Trung Quốc quyết định không để tàu hộ vệ Bayern của Đức cập cảng và chúng tôi đã nhận được thông báo về chuyện này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức Maria Adebahr cho hay.
Lời từ chối của Trung Quốc được xem là "gáo nước lạnh" dội vào Đức. Bởi Berlin từng hy vọng việc cập cảng Thượng Hải có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng trong sứ mệnh lần này của hải quân Đức.
Trong thời gian qua, Mỹ đã cho điều động các tàu chiến tới Biển Đông để tiến hành hoạt động tuần tra nhằm đảm bảo “tự do hàng hải” ở vùng biển chiến lược bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Ngoài ra, Mỹ cũng đề nghị các nước đồng minh thực hiện sứ mệnh tương tự ở Biển Đông. Bên cạnh các đồng minh trong khu vực như Australia và Nhật Bản, nhiều thành viên NATO gồm Anh và Pháp cũng đã điều động lực lượng làm nhiệm vụ ở Biển Đông, dù Bắc Kinh lên tiếng chỉ trích. Tuy nhiên, Đức, một đồng minh chủ chốt của Mỹ, lại thường thể hiện quan điểm ít đối đầu với Trung Quốc.
Hồi tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bà Merkel một lần nữa bày tỏ mong muốn xây dựng mối quan hệ kinh tế thân thiết hơn giữa Đức và Trung Quốc. Còn ông Tập đã ca ngợi “sự tin tưởng đôi bên ở mức cao giữa Đức và Trung Quốc” trong suốt 16 năm cầm quyền của bà Merkel.
Tuy nhiên chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử ở Đức. Sự xuất hiện của một chính phủ mới ở Đức có thể làm thay đổi mối quan hệ của nước này với Trung Quốc.
Cũng vào tuần trước tại Berlin, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer nhấn mạnh bà muốn Liên minh châu Âu (EU) thiết lập “sự hiện diện thường trực” ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Vào ngày 15/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) là bà Ursula von der Leyen thông báo EU sẽ cho công bố thông tin mới về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương trong tuần này. Chiến lược sẽ “phản ứng tầm quan trọng ngày càng lớn của khu vực đối với sự thịnh vượng và an ninh của EU”, bà Leyen nhấn mạnh thêm, châu Âu cần tăng cường sự hiện diện và hoạt động chủ động hơn ở khu vực này.

Ẩn ý của Trung Quốc khi điều 4 tàu chiến tới ngoài khơi bang Alaska của Mỹ?
Trung Quốc dường như muốn chứng minh sức mạnh ngày càng lớn của hải quân nước này bằng cách điều động 4 tàu chiến tới ngoài khơi bang Alaska của Mỹ.
Minh Thu (lược dịch)