Trung Quốc đẩy mạnh năng lực vận tải quân sự toàn cầu
Máy bay Y-20, chiếc máy bay vận tải quân sự chế tạo trong nước lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc, đã tiến hành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 26/1 ở khu vực tây bắc nước này, vài tháng sau khi chiếc tàu sân bay đầu tiên của Bắc Kinh được đưa vào hoạt động.
Máy bay vận tải quân sự Y-20 của Trung Quốc. |
Tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc gọi đây là “cột mốc quan trọng”, cho rằng Trung Quốc cần loại máy bay này để “củng cố năng lực hoạt động toàn cầu”. Máy bay Y-20 có trọng tải 66 tấn, với tầm bay khoảng 4.400km.
Tờ Hoàn Cầu trích lời một chuyên gia quân sự cho biết loại máy bay này sẽ giúp quân đội Trung Quốc không phải lệ thuộc vào máy bay Il-76 do Nga sản xuất.
Tờ Trung Quốc nhật báo (China Daily) dẫn lời một chuyên gia quân sự khác cho biết chiếc Y-20 có khả năng chở loại xe tăng nặng nhất mà quân đội Trung Quốc đang sử dụng và rằng “những chiếc máy bay vận tải quân sự hạng nặng này sẽ giúp chúng ta có thể bảo vệ những lợi ích của mình ở nước ngoài”.
“Với những chiếc máy bay này, chúng ta có thể chở con người hoặc các thiết bị lớn tới những điểm đến xa hơn nhằm khôi phục những nơi đó”, Liang Fang, giáo sư về chiến lược quân sự tại Đại học Quân đội giải phóng nhân dân quốc gia.
Tờ Trung Quốc nhật báo cho biết chiếc Y-20 có thể bay từ phía tây Trung Quốc tới thủ đô Cairo (Ai Cập).
Tuy nhiên, tờ báo này cũng cho hay chiếc máy bay này có động cơ của Nga và vẫn thua kém chiếc máy bay vận tải quân sự Boeing C-17 Globemaster III do Mỹ sản xuất bởi vì Y-20 “có thiết kế khí động lực tương đối lạc hậu và thiếu một động cơ được chế tạo trong nước”.
Lực lượng không quân Mỹ cho biết lực lượng này hiện có hơn 200 chiếc Boeing C-17 Globemaster III.
Cũng vào cuối tuần qua, Tân Hoa Xã thông thông báo rằng quân đội Trung Quốc đã thử thành công lần thứ hai tên lửa đánh chặn phóng từ đất liền.
“Vụ thử này đã đạt được mục tiêu sơ bộ. Vụ thử này có bản chất là tự vệ chứ không nhắm tới bất kỳ quốc gia nào khác”, một quan chức Bộ quốc phòng Trung Quốc phát biểu.
Từ năm 2006 đến năm 2012, Trung Quốc đã tăng gấp đôi ngân sách cho quân sự, mức tăng tương ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong khi điều đó khiến các nước láng giềng châu Á của Trung Quốc lo ngại thì nước này khăng khăng cho rằng chi tiêu quân sự của nước này không nhắm tới quốc gia nào.
Hiện Trung Quốc đang mắc kẹt trong một cuộc tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông và với một số quốc gia Đông Nam Á trên Biển Đông.