Trung Quốc đang cố thay đổi hình ảnh trên trường quốc tế như thế nào?
Trung Quốc được cho đang cố thay đổi hình ảnh trên thế giới bằng cách thi hành chính sách ngoại giao mềm mỏng hơn với nhiều nước.
Nhiều chuyên gia nhận định, chính quyền Bắc Kinh có thể bắt đầu cho thi hành chính sách tiếp cận mềm mỏng hơn với nhiều nước sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra cam kết “cố gắng tạo dựng hình ảnh Trung Quốc là một quốc gia được đáng được tôn trọng, đáng khâm phục và đáng tin”.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc giữ thái độ gay gắt đối với một số quốc gia cáo buộc Bắc Kinh xâm phạm quyền tự do của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, hay vấn đề an ninh ở eo biển Đài Loan.
Trung Quốc đang cố thay đổi hình ảnh trên thế giới thông qua chính sách ngoại giao mềm mỏng hơn. (Ảnh: Kyodo) |
Song theo Tân Hoa Xã, trong cuộc họp của đảng Cộng sản Trung Quốc hồi đầu tuần này, ông Tập đã tuyên bố Trung Quốc nên “mở rộng vòng tròn bạn bè, những người hiểu về Trung Quốc”.
“Cần phải hiểu rõ về tầm quan trọng và sự cần thiết trong việc cải thiện hoạt động liên lạc quốc tế của đất nước”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập.
Để đạt được mục tiêu trên, ông Tập “kêu gọi triển khai các hoạt động trao đổi nhân sự và trau dồi mức độ chuyên nghiệp trong liên lạc quốc tế”.
Chia sẻ với Kyodo, một nguồn tin ngoại giao ở Bắc Kinh cho hay tuyên bố của ông Tập “có thể được hiểu là tín hiệu ám chỉ Trung Quốc sẽ thay đổi quan điểm ngoại giao hiện nay”, do quan hệ giữa Trung Quốc với nhiều nước cũng đang xuống dốc, giữa lúc căng thẳng Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cụ thể, ngoài Mỹ, Anh và Canada, Trung Quốc còn đang bất đồng quan điểm về vấn đề ở Tân Cương với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Thậm chí, kể từ đầu năm nay, nhiều nước đã cho áp đặt lệnh trừng phạt với Trung Quốc về vấn đề Tân Cương.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia cũng đang căng thẳng, sau khi đầu năm ngoái, Canberra kêu gọi cần có một cuộc điều tra độc lập để tìm ra nguồn gốc của đại dịch Covid-19, căn bệnh lần đầu tiên được phát hiện bùng phát ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc vào đầu năm 2020.
Mới đây, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Nhật Bản, sau khi Thủ tướng Yoshihide Suga khẳng định trong cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Washington hồi tháng Tư về “tầm quan trọng của nền hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng 52 năm qua, các nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật cùng đề cập đến vấn đề Đài Loan trong một tuyên bố chung.
Ngay lập tức, phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cho triệu tập một quan chức cấp cao của đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh tới để phản đối về tuyên bố chung của Mỹ - Nhật sau hội nghị tháng Tư.
Một học giả người Nhật Bản nhận định, “Đài Loan là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, do đó Nhật Bản không nên đề cập tới vấn đề này trong cuộc họp thượng đỉnh với Mỹ, nếu như Tokyo còn nghiêm túc cân nhắc về mối quan hệ với Bắc Kinh”.
Trước đó, hồi tháng Hai, Trung Quốc đã thông qua bộ luật mới nhằm cho phép lực lượng hải cảnh nước này “sử dụng mọi biện pháp cần thiết” bao gồm vũ khí để chống lại các tổ chức và cá nhân nước ngoài vi phạm cái mà Bắc Kinh gọi là chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia. Bộ luật tiếp tục đẩy quan hệ Trung – Nhật trở nên căng thẳng liên quan tới vấn đề an ninh hàng hải quanh quần đảo đang xảy ra tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Phía Nhật Bản đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích các tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, nơi đang nằm dưới sự kiểm soát của Tokyo. Nhật Bản lâu nay khẳng định Senkaku/Điếu Ngư là quần đảo nằm trong vùng lãnh thổ của quốc gia này. Tuy nhiên, phía Trung Quốc lại khẳng định nước này đang “thực hiện tự kiểm soát” bằng việc dùng vũ khí và xua đuổi các tàu Nhật Bản tiến vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Cũng trong tháng Hai, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên tiếng chỉ trích các hành động của Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đồng thời nhấn mạnh Mỹ “ủng hộ” Nhật Bản trong vấn đề liên quan tới Senkaku/Điếu Ngư. Ngoài ra, Washington và Tokyo đã đồng thuận đưa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào trong danh mục bảo vệ theo hiệp ước quốc phòng song phương mà hai nước từng ký kết.
Nguồn tin ngoại giao ở Bắc Kinh cho biết thêm, ông Tập ngày càng nhận ra rằng Trung Quốc có nguy cơ đối mặt với sự “cô lập” từ phía cộng đồng quốc tế, nếu như quốc gia này tiếp tục thực hiện “chính sách ngoại giao chiến lang hung hăng”.
Ngoài ra, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu được cải thiện dưới thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden, Trung Quốc có thể bắt đầu chìa thêm nhành oliu tới một số nước, bởi Bắc Kinh nhận thấy việc bị cô lập “sẽ gây tổn hại tới lợi ích kinh tế và chính trị của nước này”.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 2/6 cũng đã cho đăng bài viết nhấn mạnh, “Trung Quốc không phải là quốc gia thích tự quảng bá mình với những nước khác và cũng không thích chơi trò trao đổi qua lại với các quốc gia khác, mà muốn đối xử với các nước khác bằng lòng tốt”.
Đối với dư luận trong nước, Trung Quốc cho thấy sẽ tập trung vào các vấn đề của tương lai như thu hẹp khoảng cách xã hội và kinh tế.
Điển hình, chính phủ Trung Quốc quyết định cho phép các cặp đôi sinh con thứ 3 để giải quyết bài toán già hóa dân số và tỷ lệ sinh đẻ thấp. Dù vào năm 2016, Trung Quốc cho xóa bỏ “chính sách một con” để cho các cặp đôi sinh con thứ 2, nhưng kể từ đó, tỷ lệ sinh đẻ vẫn không được cải thiện.
Một nguồn tin từ chính phủ Trung Quốc cho hay, để khuyến khích các cặp vợ chồng Trung Quốc sinh thêm con, ông Tập nên cải cách nền tảng hệ thống an sinh xã hội như hưu trí và y tế. Tuy nhiên, do người trẻ Trung Quốc đang phải cố gắng tiết kiệm để mua một căn nhà trong lúc giá bất động sản không ngừng tăng, cũng như phải trả thêm tiền để hỗ trợ dân số già, điều này khiến người trẻ ngại sinh thêm con.
Quân đội Trung Quốc chật vật tuyển tân binh vì tỷ lệ sinh đẻ giảm mạnh
Quân đội Trung Quốc chật vật tuyển đủ số lượng tân binh hàng năm vì tỷ lệ sinh đẻ ở nước này giảm mạnh trong nhiều năm qua.
Minh Thu (lược dịch)