Trung Quốc cảnh bảo đỏ vì mưa lũ, Mỹ cũng phải ‘chịu trận’
Mưa lũ không chỉ khiến nhiều khu vực ở Trung Quốc phải đưa ra cảnh báo đỏ, mà còn ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa cho Mỹ bao gồm mặt hàng PPE.
Trung Quốc cảnh bảo đỏ vì mưa lũ, Mỹ cũng phải ‘chịu trận’ vì gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa. (Ảnh: Reuters) |
Nhiều khu vực rộng lớn ở Trung Quốc đang trải qua đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong vài thập niên qua. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chuỗi cung ứng hàng hóa bao gồm các thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), mặt hàng thiết yếu trong cuộc chiến chống Covid-19 trên toàn cầu hiện nay.
Tính tới ngày 17/7, trung tâm thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc cùng các tỉnh An Huy, Giang Tây và Chiết Giang của Trung Quốc đều đã tuyên bố báo động đỏ, trong bối cảnh những trận mưa lớn gây ngập và tràn qua các sông hồ chứa nước ở địa phương.
Điển hình, thành phố Vũ Hán nằm bên bờ sông Trường Giang và từng là tâm dịch Covid-9 hồi đầu năm nay, chính quyền thành phố đã cảnh báo người dân cần thận trọng do mực nước đang dâng cao nhanh chóng và gây nguy hiểm tới mức độ an toàn.
Hàng năm, mùa mưa hè thường mang lũ tới Trung Quốc. Nhưng trong năm nay, tình trạng này diễn ra nghiêm trọng hơn và đặc biệt gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều mặt hàng thiết yếu toàn cầu từ Trung Quốc bao gồm PPE.
“Lũ lụt đang tạo ra một rào cản lớn khác đối với việc đưa PPE vào lãnh thổ Mỹ. Giờ là thời gian tồi tệ nhất để chuyện này xảy ra, nhưng đó là việc mà chúng tôi đang phải đối mặt bây giờ”, ông Michael Einhorn, Chủ tịch Dealmed, một hãng cung cấp thiết bị y tế ở Mỹ.
Dealmed thường lấy nguồn hàng áo khoác phòng thí nghiệm dùng một lần và các sản phẩm y tế khác từ thành phố Vũ Hán và các vùng lân cận ở Trung Quốc.
“Chúng tôi đã không thể lấy được hàng trong hơn một tuần và đây là quãng thời gian dài đối với hoạt động kinh doanh của chúng tôi”, ông Einhorn cho rằng hoạt động gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa còn có thể bị kéo dài tới 3 tuần.
Thành phố Tiên Đào thuộc tỉnh Hồ Bắc hiện là nơi sản xuất mặt hàng vải không dệt để sản xuất PPE có quy mô lớn nhất ở Trung Quốc. Cụ thể, 1/3 sản lượng xuất khẩu các mặt sản phẩm sử dụng vải không dệt có xuất xứ từ thành phố Tiên Đào. Nhưng nay trong bối cảnh mưa lũ, hoạt động sản xuất đang chịu ảnh hưởng lớn khiến năng suất sụt giảm.
Trong khi đó, hồ chứa nước khổng lồ ở đập Tam Hiệp hiện mực nước đã cao hơn 10 m so với mức cảnh báo. Lượng nước đang đổ vào hồ lên tới hơn 50.000 m3/giây.
Còn tại hồ Bà Dương thuộc tỉnh Giang Tây, hồ nước ngọt lớn nhất ở Trung Quốc, mực nước hiện cao hơn mức cảnh báo 2,5 m. Diện tích hồ đã bị mở rộng hơn 2.000 km2 do mưa lũ đổ về khiến thị trấn gần đó bị nhấn chìm trong nước.
Di chuyển về phía đông, hồ Thái Hồ nằm gần thành phố Thượng Hải cũng đã được đặt trong tình trạng báo động đỏ sau khi mực nước hồ dâng cao hơn gần 1 m so với mức an toàn.
Hoạt động kinh tế ở nhiều khu vực trên lãnh thổ Trung Quốc đặc biệt là ngành xây dựng và nhu cầu cung ứng sắt thép cũng như xi măng đang bị ảnh hưởng lớn do lũ lụt. Theo các nhà phân tích, lũ lụt có thể kéo mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sụt giảm còn mạnh hơn những gì mà dịch Covid-19 tác động tới nền kinh tế nước này trong quý II năm nay.
“Chúng tôi ước tính lũ lụt trên các khu vực sông Trường Giang có thể kéo tăng trưởng GDP trong quý III của Trung Quốc tụt xuống 0,4 – 0,8%”, các nhà phân tích tại ngân hàng Morgan Stanley cho biết.
Minh Thu (lược dịch)
Một tỉnh của Trung Quốc ban bố tình trạng 'thời chiến' vì lũ lụt kỷ lục
Tỉnh Giang Tây ở phía đông Trung Quốc đã phải ban bố tình trạng thời chiến và nâng mức ứng phó lũ lụt khẩn cấp từ cấp II lên cấp I, mức cao nhất trong thang 4 cấp.