Trung Quốc: Bệnh nhân tử vong vì chờ xe cấp cứu 1 tiếng, 4 người bị sa thải và kỷ luật
Bốn cá nhân liên quan tới vụ việc cấp cứu chậm trễ khiến bệnh nhân phải chờ xe cứu thương 1 tiếng dẫn tới tử vong đã bị sa thải và kỷ luật.
Chính quyền quận Thuận Nghĩa ở thành phố Bắc Kinh của Trung Quốc đã sa thải một bác sĩ và kỷ luật 3 người khác liên quan tới công tác cấp cứu chậm trễ khiến một người đàn ông tử vong sau khi lên cơn đau tim.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, trong thông cáo được chính quyền quận Thuận Nghĩa công bố hôm 29/5, nam bệnh nhân họ Song đã gọi tới số máy cấp cứu 120 vào lúc 3h30 sáng (giờ địa phương) ngày 11/5 sau khi cảm thấy đau thắt ngực.
Nhân viên y tế ở Thượng Hải chuyển bệnh nhân lên xe cứu thương. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Vài phút sau, trung tâm cấp cứu 120 của quận Thuận Nghĩa đã cử một bác sĩ, một y tá và một lái xe thực hiện nhiệm vụ cấp cứu.
Biết được việc nơi ở của bệnh nhân Song đang thi hành các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, nhóm y tế đã gọi điện cho một bệnh viện ở địa phương vài lần trước khi biết rằng bệnh viện này chỉ tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân Covid-19, nên không thể để anh Song nhập viện.
Tới 4h sáng, nhóm y tế gọi điện cho một bệnh viện khác để xác nhận có thể để anh Song nhập viện hay không. Lúc này, người bạn gái của anh Song đã nói với nhóm cấp cứu rằng bạn trai vẫn cảm thấy đau ở phần ngực, đổ mồ hôi và cảm thấy rất mệt. Tuy nhiên, người bạn gái của bệnh nhân nói rằng anh Song không có tiền sử bị đau tim. Trong khi đó, phía bệnh viện đang được đội ngũ cấp cứu liên lạc cho hay, anh Song nên được chuyển tới một bệnh viện khác bởi cơ sở y tế này không có khả năng chữa trị cho các bệnh nhân bị đau tim.
Chỉ tới khi người bạn gái của anh Song thông báo các triệu chứng mà bạn trai đang trải qua ngày càng tồi tệ hơn, lúc này xe cứu thương mới khởi hành vào lúc 4h25, tức muộn hơn so với 1 tiếng đồng hồ kể từ lúc nhận được cuộc gọi cầu cứu đầu tiên của bệnh nhân.
Khi được đưa lên xe cứu thương, anh Song đã rơi vào trạng thái ngừng tim. Bệnh nhân được chuyển vào phòng cấp cứu để hồi sức, nhưng không tỉnh lại. Tới lúc 7h24 cùng ngày, anh Song được xác nhận đã tử vong và chẩn đoán ban đầu là đột tử.
Thông cáo của chính quyền quận Thuận Nghĩa nhấn mạnh sai lầm chủ chốt của nhóm cấp cứu chính là không điều xe cứu thương tới kịp thời và không nhận định bệnh nhân đang rơi vào trạng thái cực kỳ nguy hiểm. Ngoài ra, nhóm cấp cứu cũng không hướng dẫn cho anh Song và bạn gái của bệnh nhân cách sơ cứu trong lúc chờ xe cứu thương tới.
Kết quả, bác sĩ Liu Xiaoyun, người được cử đi cấp cứu cho anh Song, bị ủy ban y tế địa phương sa thải. Ba người khác nhận hình thức kỷ luật là cảnh cáo.
“Hệ thống y tế quận Thuận Nghĩa nên xem sự việc là lời cảnh báo, rút kinh nghiệm từ vụ việc, và tiến hành điểu chỉnh toàn bộ hệ thống, cũng như luôn tuân thủ nguyên tắc con người là trước hết, mạng sống là trước hết”, thông cáo của quận Thuận Nghĩa nhấn mạnh.
Trong bối cảnh thành phố Bắc Kinh gồng mình chống dịch Covid-19 do sự hoành hành của biến chủng Omicron trong một tháng qua, nhiều quan chức đã bị kỷ luật hoặc sa thải trong những ngày gần đây. Hôm 27/5, chính quyền quận Phòng Sơn thông báo 3 quan chức trong ủy ban y tế địa phương đang bị điều tra trước cáo buộc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng trong công tác giám sát và quản lý một phòng xét nghiệm y tế.
Nỗi lo về chất lượng viện dưỡng lão ở Trung Quốc sau vụ người sống suýt bị chuyển xuống nhà xác
Vụ việc cụ ông vẫn còn sống nhưng suýt bị đưa xuống nhà xác khiến dư luận Trung Quốc càng lo ngại về chất lượng chăm sóc tại các nhà dưỡng lão.
Minh Thu (lược dịch)