Trực thăng Mỹ lượn vòng qua Nord Stream nhiều giờ trước khi xảy ra sự cố rò rỉ khí đốt
Cụ thể, máy bay trực thăng Sikorsky MH-60R Seahawk của Hải quân Mỹ hồi đầu tháng 9 đã tuần tra vị trí đường ống ở biển Baltic gần Bornholm trong 3 ngày liên tiếp.
Trên Flightradar24, chiếc trực thăng quân sự Mỹ này được liệt vào danh sách máy bay không xác định. Nhưng thông số kỹ thuật được chỉ ra trong mô tả cho thấy máy bay thuộc về quân đội Mỹ.
Được biết, máy bay trực thăng Mỹ đã bay đến khu vực này của Biển Baltic từ Gdansk của Ba Lan.
Ngoài ra, vào ngày 2/9, một máy bay trực thăng quân sự H90 của Hải quân Hà Lan đã bay ở khu vực Bornholm đồng thời với quân đội Mỹ.
Máy bay trực thăng của Mỹ cũng bay qua các nhánh của đường ống dẫn khí đốt của Nga trong hai ngày 10/9 và 19/9. Phi công quân sự Mỹ trên trực thăng Sikorsky MH-60R Seahawk lượn vòng rất lâu gần địa điểm rò rỉ vào các đêm 22-23/9 và 25-26/9.
Trong khi đó, hôm 28/9, Lầu Năm Góc đảm bảo rằng Mỹ hoàn toàn không tham gia vào các sự cố tại Nord Stream. Đồng thời, Nhà Trắng lưu ý, nhà lãnh đạo Mỹ Joe Biden không nhắc đến việc phá hủy Nord Stream 2 mà chỉ nói về kế hoạch ngăn chặn hoạt động của dự án.
Cùng ngày, liên quan đến sự số tại Nord Streams, đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova đã yêu cầu Tổng thống Biden giải thích liệu lời đe dọa “chấm dứt” đường ống dẫn khí đốt của ông có được thực hiện hay không.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov không loại trừ việc phá hoại có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rò rỉ của đường ống. Ông Peskov tuyên bố, sự cố là một vấn đề ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của toàn lục địa.
Đồng thời, các điều tra viên của Cơ quan An ninh Nga (FSB), dựa trên tài liệu của Văn phòng Tổng công tố Liên bang Nga, đã khởi tố vụ án hình sự về hành vi khủng bố quốc tế liên quan đến các vụ nổ trên đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và Nord Stream 2.
Theo Văn phòng Tổng Công tố Nga, vào ngày 26/9, tại khu vực đảo Bornholm, thuộc vùng biển Đan Mạch, đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và Nord Stream 2 đặt dưới đáy biển Baltic đã bị hư hỏng do hành động cố ý.
Các đường ống này cung cấp khí đốt tự nhiên cho các nước thuộc Liên minh châu Âu để sử dụng trong công nghiệp và sưởi ấm cho khu dân cư. Hậu quả của những hành động này đã gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể cho Nga.
Thụy Điển không loại trừ sự tham gia của các quốc gia nước ngoài trong vụ rò rỉ
Cuộc điều tra sơ bộ về vụ phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream đã được nhà chức trách Thụy Điển chuyển giao cho Cơ quan An ninh Thụy Điển (Säpo).
Hiện vụ việc được xếp vào loại phá hoại. Nhưng có thể kết nối với một tội phạm nghiêm trọng liên quan đến “chống lại lợi ích của Thụy Điển” và trong đó các quốc gia khác có thể liên quan, do đó vụ việc đã được chuyển sang những cơ quan đặc biệt.
Cuộc điều tra sơ bộ do các công tố viên từ Cục An ninh Quốc gia tiến hành và được giám sát bởi công tố viên Mats Ljungqvist.
Hôm 26/9, chính quyền Đan Mạch cho biết nước này đã phát hiện tình trạng hở khí ga tại khu vực đảo Bornholm trên biển Baltic và đã đóng cửa khu vực có bán kính 9,2 km xung quanh hiện trường.
Trước đó, chính quyền Đức và Đan Mạch cho biết hai nước này đã phát hiện tình trạng giảm áp suất đột ngột bên trong đường ống Nord Stream 2.
Vào hôm 27/9, Cơ quan Hàng hải Thụy Điển cho biết đã phát hiện tình trạng rò rỉ khí ga của đường ống Nord Stream 1 ở khu vực phía Đông Bắc của đảo Bornholm.
Trong thông báo vào hôm 27/9, công ty vận hành đường ống Nord Stream AG cho biết việc cả 2 đường ống dẫn khí đốt chạy qua biển Baltic đều bị hư hỏng là chưa từng có tiền lệ. Công ty này hiện không thể ước tính được thời gian khôi phục vận chuyển khí đốt qua các đường ống này.
Thanh Bình (lược dịch)