Trồng 4 cây này giữa nhà, người đàn ông ở TP.HCM có 'máy điều hòa' suốt 30 năm
“Máy điều hòa” tự nhiên
Giữa trưa nắng nóng, ông Trần Kim Long (SN 1959, quận 8, TP.HCM) không ở trong nhà. Ông ra mái hiên được che tạm bằng bạt, tôn cũ mắc võng nằm nghỉ trưa.
Không cần bật quạt điện, máy điều hòa, nơi ông nằm vẫn mát mẻ, dễ chịu nhờ bóng tỏa ra từ 4 cây dừa cao vút. Số cây dừa này mọc lên từ bên trong căn nhà rộng khoảng 3m, dài 16m được lợp, quây tạm bằng tôn cũ của ông Long.
Chúng mọc giữa nhà, thân lớn đâm xuyên qua mái tôn, vươn cao lên trời xanh. Những tàu dừa xanh cong vút tạo bóng râm cho toàn bộ căn nhà.
Bốn cây dừa trên được ông Long trồng từ khi ông bước qua tuổi 30. Trước đây, khu vực ông sinh sống không có cây xanh. Vì thế, mùa nắng, căn nhà nhỏ quây bằng tôn nằm vắt lên mé con kênh Đôi cứ như cái lò hơi.
Thấy vậy, ông Long quyết định trồng 4 cây dừa xiêm vào giữa nhà để lấy bóng mát. Vì gần kênh, dừa đủ nước để sinh trưởng, phát triển. Ông Long hầu như không phải chăm sóc.
Sau ít năm, dừa đã cao quá đầu người rồi vươn khỏi mái nhà, tỏa bóng mát. Ông Long kể: “4 cây dừa lớn gần như bằng nhau nên khi cao hơn mái nhà, nó tỏa bóng mát, che hết căn nhà của tôi.
Lúc đó, gần như nắng trời không thể chiếu thẳng vào mái nhà, nên dù nhà lợp tôn vẫn rất mát mẻ. Hơn thế, khu vực này nhiều gió. Gió thổi từ kênh vào cộng thêm bóng dừa che nắng, nên nhà thấp, chật, lợp tôn mà vẫn mát mẻ, thông thoáng”.
Những năm ấy, bóng râm của 4 cây dừa không chỉ che mát cho gia đình ông Long. Nó còn trở thành nơi hóng gió, nghỉ ngơi của những công nhân làm việc tại kho gạo bên phía đối diện.
Thấy vậy, ông Long mở quán bán nước giải khát. Nhờ bóng mát của 4 cây dừa, quán nước của ông rất đắt khách.
Nhà ông nằm sát bến sông, nơi ghe, thuyền thường xuyên ra vào vận chuyển lúa gạo. Công nhân, chủ ghe, thuyền sau khi bốc, dỡ lúa gạo xong đều đến ngồi dưới bóng mát 4 cây dừa của ông Long nghỉ ngơi. Nhiều người còn nói vui, quán nước của ông có máy điều hòa tự nhiên nên thường xuyên ghé lại uống nước, nghỉ mát.
“Không chỉ cho bóng mát, mấy cây dừa còn cho tôi trái. Khi còn trẻ, cây còn thấp, tôi vẫn trèo lên hái trái đem bán. Trái tuy nhỏ nhưng nước ngọt, mát, uống ngon mà đem nấu ăn cũng tốt nên khách thích lắm”, ông kể.
Sau này, khi thân dừa vươn cao, ông Long không đủ sức trèo lên hái trái mà phải nhờ người quen trèo và chia đôi số dừa hái được cho người này.
Ít năm trở lại đây, ông không thấy người này nữa. Thành thử những trái dừa không được ai hái cứ thế già đi, khô lại rồi rụng xuống mái nhà, ven kênh.
"Vũ khí" chống bão
Sau 30 năm, 4 cây dừa của ông Long đã mọc cao vút. Những tàu dừa không còn gần như phủ trực tiếp lên mái nhà. Tuy vậy, bóng mát vẫn giúp căn nhà của ông tránh được cái nóng gay gắt của TP.HCM.
Ông chia sẻ: “Khí hậu ở đây 6 tháng nắng, 6 tháng mưa. Những năm trước, TP.HCM cũng nắng nóng nhưng không khắc nghiệt như năm nay.
Nếu không có 4 cây dừa cùng mấy cây xanh tỏa bóng mát xung quanh nhà, chắc tôi chịu không nổi. Nhà có máy lạnh, quạt điện nhưng mùa nắng nóng này tôi ít bật vì đã có bóng mát của cây cối, gió trời từ kênh”.
Các cây dừa còn có nhiệm vụ gia cố, giúp căn nhà của ông Long vượt qua mùa mưa bão. Nhà vốn được dựng từ gỗ, lợp mái tôn đơn sơ trên mé kênh.
Những năm mưa bão xưa, dù ông chôn cọc gỗ làm cột nhà, giữ mái tôn nhưng vẫn bị gió mạnh giật tung, nhổ lên. Thấy 4 cây dừa mọc cao, thân to, gốc lớn, ông quyết định biến chúng thành cột nhà.
Ông dùng đinh lớn đóng các cây gỗ trên mái nhà vào thân 4 cây dừa. Bằng cách này, mỗi khi mưa bão, mái nhà không còn bị gió lật lên, cuốn đi. Thay vào đó, mái nhà “chỉ rung rinh theo nhịp rung lắc của mấy cây dừa khi bị gió bạt”.
Đem lại nhiều lợi ích cho gia đình, thế nên dẫu nhà chật hẹp, ông Long vẫn không thấy phiền hà.
Ông cũng chấp nhận việc vào mùa mưa, nước theo thân dừa chảy vào nhà gây ẩm mốc. Để hạn chế mưa dột theo thân dừa, ông dùng bao, bạt bọc chúng lại.
Sau đại dịch Covid-19, quán giải khát dưới bóng dừa của ông Long vắng khách. Không thể cầm cự, ông đành phải đóng cửa. Ông cũng không hái dừa tươi trên những cây dừa mọc giữa nhà để bán nữa.
Dẫu vậy, chưa bao giờ ông có ý định đốn hạ bất cứ cây dừa nào mình đã tự tay trồng. Ông tâm sự: “4 cây dừa đã gắn bó với gia đình tôi 30 năm nay. Không riêng gì tôi mà mọi người trong nhà ít nhiều đều có bao kỷ niệm với chúng”.