Trò chuyện với người Việt Nam đầu tiên dự đua thuyền buồm vòng quanh thế giới
Như Infonet từng giới thiệu, Nguyễn Trần Minh An(29 tuổi, ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ), thủy thủ Công ty CP Tàu lai Cảng Đà Nẵng là thành viên đại diện TP Đà Nẵng trên thuyền Đà Nẵng – Việt Nam tham dự cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Round The World 2015-2016.
![]() |
Thủy thủ Nguyễn Trần Minh An vừa trở về sau chặngAirlie Beach (Úc) - Đà Nẵng trong khuôn khổ cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Round The World 2015-2016 (Ảnh: HC) |
Chiều 17/2, Nguyễn Trần Minh An cùng với thuyền Đà Nẵng – Việt Nam đã cập cảng Sông Hàn. Sáng 18/2, anh đã dành cho Infonet cuộc trả lời phỏng vấn về những trải nghiệm không dễ có trong đời sau khi trải qua chặng đua từ Airlie Beach (Úc) về Đà Nẵng mang tên “Đà Nẵng – Khám phá mới của Châu Á”.
Trở về Đà Nẵng trên một chiếc thuyền buồm tham dự cuộc đua vòng quanh thế giới, Minh An cảm thấy thế nào?
Nguyễn Trần Minh An: Tôi cảm thấy rất hãnh diện khi thuyền của đội Đà Nẵng – Việt Nam vừa đi qua cầu Thuận Phước thì liền được người chào đón, chụp hình, vỗ tay reo hò cổ vũ rất nồng nhiệt suốt dọc sông Hàn. Các thủy thủ trên thuyền bắt tay, chúc mừng tôi trở về cảng quê hương. Ba mẹ, bà nội, em gái ra tận bến cảng đón tôi. Bạn bè thì gọi điện, nhắn tin chúc mừng. Điều đó khiến tôi rất hạnh phúc!
Trải qua chăng đua dài 6.700 hải lý trong liên tục 27 ngày đêm từ Airlie Beach (Úc) về Đà Nẵng, điều gì khiến Minh An cảm thấy thú vị nhất khi tham gia cuộc đua?
Nguyễn Trần Minh An: Đầu tiên là tôi được trải nghiệm một cuộc chinh phục thiên nhiên trong cuộc đua khắc nghiệt nhất thế giới cùng vị thuyền trưởng tài ba và thủy thủ đoàn hết sức thân ái, đoàn kết. Thứ hai là được mọi người tập cho nấu các món ăn Tây. Trong suốt chặng đua, tôi có 3 ngày nấu ăn phục vụ thủy thủ đoàn. Cái gì không biết thì tôi hỏi và được mọi người hướng dẫn. Điều thứ ba làm tôi thấy vui là những lúc ngồi tán gẫu, hát cùng mọi người khi thuyền vẫn đang lao đi trên biển. Và điều mà tôi thấy có ý nghĩa nhất là tôi tập cho mọi người nói được một số tiếng Việt!
![]() |
Các thủy thủ tham dự cuộc đuaClipper Round The World 2015-2016 rất háo hức gặp gỡ người dân Đà Nẵng (Ảnh: HC) |
Minh An có nấu món ăn Việt cho mọi người trên thuyền không?
Nguyễn Trần Minh An: Tôi rất muốn nhưng không có thực phẩm để nấu vì không được mang xuống thuyền!
Với tư cách là “Đại sứ” của Đà Nẵng tham gia cuộc đua quốc tế này, Minh An đã kể những gì về TP của mình cho thủy thủ đoàn trên thuyền Đà Nẵng – Việt Nam và các thủy thủ của các thuyền khác?
Nguyễn Trần Minh An: Tôi nói với họ, Đà Nẵng là một địa danh đã trở nên thân thương trong lòng bè bạn trong nước và quốc tế; một nơi mà ai cũng muốn đặt chân đến dù chỉ một lần, ai đã đến rồi lại muốn đến thêm nhiều lần nữa. Tôi kể với họ những truyền thuyết về đất và người Đà Nẵng, trong đó có truyền thuyết một con rồng lớn từ Biển Đông chọn vùng đất Non Nước làm nơi đẻ trứng trong sự bao bọc của những người dân chài. Những mảnh vỡ của quả trứng rồng đã hình thành nên cụm 5 ngọn núi đá cẩm thạch với tên gọi Ngũ Hành Sơn đi vào lòng người.
Tôi nói với họ TP Đà Nẵng hội tụ nhiều vẻ đẹp mà thiên nhiên ưu ái ban tặng. Với biển xanh, cát trắng, nắng vàng, TP như cánh buồm căng gió vươn ra biển lớn cùng những đổi thay trong vóc dáng mỗi ngày. Đến với Đà Nẵng là đến với sự hùng vĩ của núi, sự hiền hòa của sông và sự thơ mộng của biển. Họ sẽ có những trải nghiệm hết sức thú vị trên bãi biển Đà Nẵng được tạp chí Forbes bình chọn là một trong những bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Trong khi đó, dòng sông Hàn mang đến cho Đà Nẵng nét vẽ êm đềm, thanh bình và thơ mộng. Lúc đêm về, dòng sông như nàng công chúa kiêu sa rực rỡ sắc màu mời gọi du khách dừng chân chiêm ngưỡng.
Đà Nẵng còn được biết đến là “TP của những cây cầu”. Cầu quay sông Hàn là cây cầu “độc nhất vô nhị” của Việt Nam được khánh thành năm 2000, giờ là biểu tượng đáng tự hào của TP. Cây cầu có ý nghĩa to lớn khi sự ra đời của nó đã nối liền 2 bờ Đông – Tây của sông Hàn. Và từ đó, Đà Nẵng ngày càng xuất hiện thêm nhiều cây cầu mới có kiến trúc vô cùng độc đáo không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thông của người dân mà còn đóng vai trò điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan cho một TP năng động, hiện đại.
![]() |
Những chiếc "giường" lưu động làm chỗ ngủ, nghỉ cho các thủy thủ trên thuyền buồm (Ảnh: HC) |
Tôi cũng nói với họ về Bà Nà, về Sơn Trà, về các món ăn ngon của Đà Nẵng. Và hơn hết là giới thiệu với họ về con người Đà Nẵng với bản tính chân thật, thân thiện, hào hiệp và mến khách sẽ là món quà ý nghĩa, lưu lại lâu nhất trong lòng họ khi đến với TP của tôi. Với tâm thế phát triển hội nhập quốc tế, Đà Nẵng từng bước hình thành TP văn hóa – du lịch – sự kiện để xứng đáng là điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2015 (theo trang mạng du lịch nổi tiếng Trip Advisor). Đây là một danh hiệu khiến người dân rất tự hào, tạo động lực để TP căng buồm vươn ra biển lớn...
Các thủy thủ tiếp nhận những lời giới thiệu của Minh An về Đà Nẵng như thế nào?
Nguyễn Trần Minh An: Khi nghe tôi giới thiệu, họ rất háo hức. Khi thuyền vừa đi gần tới bán đảo Sơn Trà, tôi đã chỉ cho họ thấy đây là bờ biển Đà Nẵng với những tòa nhà cao tầng thấp thoáng; đây là bán đảo Sơn Trà, trên ngọn núi kia là tượng Phật Bà Quan Âm cao 67m và chùa Linh Ứng. Mọi người ồ lên rất là háo hức. Ai cũng muốn nhanh chóng đặt chân lên đất Đà Nẵng. Đặc biệt, bà thuyền trưởng Wendy Tuck rất muốn lên tham quan chùa Linh Ứng và tượng Phật Bà mà lúc đầu bà cứ ngỡ là một ngọn hải đăng.
Tôi rất vui là qua những giới thiệu của mình, các thủy thủ trên thuyền rất háo hức được đến Đà Nẵng, gặp gỡ những con người Đà Nẵng. Họ đã vẫy tay rất hỗ hởi khi thuyền vừa đến Đà Nẵng. Và họ cũng thấy được sự chào đón nồng nhiệt của lãnh đạo cũng như người dân TP dành cho họ. Nhiều thủy thủ nói với tôi là họ có cảm giác như đang được trở về nhà, rất nồng ấm, nhiệt tình. Và sau khi thuyền cập bến thì nhiều thủy thủ đã thực hiện ngay các chuyến đi để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của TP, thưởng thức ẩm thực của Đà Nẵng, gặp gỡ người dân TP.
Trong quá trình đi trên thuyền, Minh An có gặp khó khăn gì trong ngôn ngữ giao tiếp hay sự khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán so với các thủy thủ khác không?
Nguyễn Trần Minh An: Tôi thấy mọi người trên thuyền không có đề cao về chuyện phong tục tập quán; riêng về ngôn ngữ giao tiếp thì thực sự là tôi cũng gặp một số khó khăn. Tuy nhiên có một chị trong đoàn là giáo viên tiếng Anh dành cho người Việt, nên có gì không biết, hoặc các thủy thủ nói nhanh quá, nghe không kịp thì tôi hỏi lại và được chị chỉ bảo rất tận tình.
![]() |
Một nữ thủy thủ trên thuyền Đà Nẵng - Việt Nam đã bị chấn thương tay trong quá trình tham gia cuộc đua (Ảnh: HC) |
Minh An thấy chặng đua từ Úc về Đà Nẵng như thế nào?
Nguyễn Trần Minh An: Thực sự là rất khắc nghiệt. Trên chặng đua, chúng tôi gặp áp thấp nhiệt đới, gió rất mạnh, sóng rất cao nên rất nguy hiểm đối với các thủy thủ, nhất là khi đi trực ca trong đêm. Sóng biển tạt ầm ầm làm tàu nghiêng ngả, chao đảo. Các thủy thủ vận hành tàu rất khó khăn và lúc nào cũng phải đeo dây bảo hiểm.
Minh An nói “trực ca trong đêm” là sao?
Nguyễn Trần Minh An: Các thủy thủ trên tàu chia làm 5 ca trực, mỗi ca 9 người. Ca đầu tiên từ 6h sáng đến 12h trưa. Sau giờ ăn trưa, mọi người họp với nhau. Tiếp đó là ca thứ hai, trực đến 6h chiều. Sau khi ăn tối, ca thứ ba trực cho đến 10h khuya. Ca thứ tư trực từ 10h khuya đến 2h sáng và ca thứ năm trực từ 2h sáng đến 6h sáng. Sau đó hoán đổi ngược lại.
Chuyện ngủ nghỉ trên tàu thế nào? Thấy chiếc thuyền buồm có vẻ hẹp như thế thì các thủy thủ ngủ ở đâu?
Nguyễn Trần Minh An: Trên tàu có những cái “giường” lưu động nhỏ. Các thủy thủ chia nhau ra, ca này làm việc thì ca kia sẽ ngủ, nghỉ trên đó, luân phiên với nhau.
![]() |
Các fan hâm mộ xin chữ ký... |
Trong những ngày đầu lên thuyền, Minh An thích nghi như thế nào?
Nguyễn Trần Minh An: Nhờ có 1 tháng tập huấn ở Úc trên một chiếc thuyền buồm tương tự nên khi lên thuyền tôi thích nghi khá nhanh. Tuy nhiên cũng có lúc tôi bị vật, say sóng tơi tả. Có hôm tôi không ăn được vì thức ăn không hợp nên bị tụt canxi. Tôi phải nhờ mọi người massage tay, chân, ngực, làm cho nóng để máu lưu thông, uống nước từng chút, dần dần mới khỏe lại và tiếp tục công việc bình thường.
Nhưng Minh An ăn không được thì làm sao đảm bảo sức khỏe theo đuổi cả chặng đua?
Nguyễn Trần Minh An: Có những món tôi vẫn ăn bình thường chứ, nhưng có những món thì tôi ăn ít hơn người ta nên trong quá trình làm việc tôi ăn thêm bánh quy, kẹo.
Gặp những lúc khó khăn như thế, Minh An tâm niệm điều gì nhất?
Nguyễn Trần Minh An: Tôi luôn nghĩ tuy Việt Nam là nước nhỏ, Đà Nẵng là TP nhỏ so với nhiều nơi khác trên thế giới nhưng con người Việt Nam, con người Đà Nẵng không nhỏ bé. Vì vậy, tôi luôn tự động viên mình phải nỗ lực vượt khó, chứng tỏ khả năng cùng với các thủy thủ trên thuyền để góp phần đưa thuyền đạt kết quả tốt nhất.
Các thủy thủ trên thuyền đối xử với Minh An như thế nào?
Nguyễn Trần Minh An: Rất hòa đồng, rất thân thiện. Tôi không biết cái gì hoặc chưa nghe được người này nói cái gì thì người kia hướng dẫn ngay. Họ chỉ bảo rất tận tình để tôi có thể làm tốt phần việc của mình. Các thủy thủ làm việc rất nghiêm túc, kỷ luật và đồng nhất. Vì nếu làm việc không đồng đều thì sẽ gây nguy hiểm cho các thủy thủ và chiếc tàu trong điều kiện sóng to gió lớn.
![]() |
và chụp hình lưu niệm với Nguyễn Trần Minh An (Ảnh: HC) |
Còn bà thuyền trưởng Wendy Tuck thì sao?
Nguyễn Trần Minh An: Đó là một thuyền trưởng cực kỳ giỏi, làm việc rất nghiêm túc. Lúc chúng tôi làm việc trong đêm tối, bà luôn la lớn, hét lớn các khẩu lệnh, át tiếng mưa gió, nhắc đi nhắc lại nhiều lần để các thủy thủ có thể nghe được. Vì nếu các thủy thủ không nghe rõ khẩu lệnh thì sẽ khó thực hiện đúng. Còn riêng với tôi thì bà đối xử rất tốt. Lúc tôi bị đau ốm, tụt canxi thì bà rất quan tâm, hỏi tôi có ăn uống được gì không, sức khỏe ra sao, có làm việc được không... Thực sự bà rất giỏi và rất tốt!
Minh An cảm thấy thế nào khi mình không chỉ là người Đà Nẵng đầu tiên mà còn là người Việt Nam đầu tiên tham dự vào một cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới?
Nguyễn Trần Minh An: Tôi thấy mình rất may mắn và rất tự hào khi được là người Việt Nam đầu tiên tham dự vào một cuộc đua tầm cỡ thế giới và là một trong những cuộc đua khắc nghiệt nhất thế giới. Đời người không dễ gì được dự một cuộc đua như thế nên tôi rất tự hào. Trải qua cuộc đua, tôi đã có thêm nhiều trải nghiệm, rèn luyện thêm bản lĩnh, được gặp gỡ, làm việc với bạn bè quốc tế. Sau khi được TP chọn tham dự, tôi có xem một số clip về cuộc đua và thấy sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên khi thực sự bước chân vào cuộc đua tôi mới thấy nó khắc nghiệt gập bội phần tôi nghĩ. Nhưng với trách nhiệm mang hình ảnh của TP Đà Nẵng ra với thế giới nên tôi phải rất cố gắng!
Sau lần này, Minh An có nghĩ TP Đà Nẵng nên tiếp tục đăng cai làm điểm đến và nhà tài trợ cho cuộc đua thuyền buồm Clipper Round The World trong những năm đến?
Nguyễn Trần Minh An: Nếu TP có điều kiện thì tôi nghĩ rất nên tiếp tục tham gia, vì đây là một sự kiện văn hóa – thể thao – du lịch tầm cỡ quốc tế và có sức lan tỏa, quảng bá rất lớn. Đoàn đua cập cảng Đà Nẵng là cơ hội tuyệt vời để TP quảng bá về mình. Và với việc có một chiếc thuyền mang tên mình đến với những nơi nổi tiếng như London, Rio de Janeiro, Cape Town, Sydney, New York... thì Đà Nẵng – Việt Nam sẽ càng được nhiều nơi trên thế giới biết đến hơn nữa!
Xin cám ơn Minh An đã dành cho Infonet cuộc trao đổi này!