Triều Tiên bí mật huy động nhiều tàu ngầm, Hàn Quốc lúng túng
Theo các quan chức quân đội Hàn Quốc, đây là đợt triển khai tàu ngầm lớn nhất của Triều Tiên kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên. Máy bay và tàu chiến Mỹ và Hàn Quốc đến giờ chưa thể xác định vị trí của các tàu ngầm này.
Các quan chức vẫn chưa rõ liệu lần triển khai này chỉ là nhằm phô trương sức mạnh hay là có mục đích tấn công các tàu Hàn Quốc trong trường hợp xấu nhât. “Chúng tôi đã huy động toàn bộ các lực lượng do thám của mình”, một phát ngôn viên Hàn Quốc cho biết.
Một tàu ngầm lớp Sang-O của Triều Tiên được đặt tại một công viên ở Hàn Quốc. |
“Đây là chiến thuật thường thấy của Triều Tiên, một mặt là đàm phán, mặt khác phô diễn sức mạnh quân sự để ép nước khác thuận theo ý mình”, ông này nói. Sau khi căng thẳng leo thang vào tuần trước, Seoul và Bình Nhưỡng hiện đang tiến hành những cuộc họp cấp cao đầu tiên kể từ tháng 2/2014, song vẫn chưa có tiến triển.
Các tàu ngầm của Bình Nhưỡng mới đây đã tham gia một cuộc thử nghiệm các loại tên lửa phóng từ tàu ngầm. Dù vậy, lực lượng tàu ngầm của Triều Tiên phần lớn gồm có 70 tàu đã lỗi thời, chủ yếu được sử dụng để bảo vệ vùng biển và do thám, khả năng chống hạm hạn chế.
Hải quân Triều Tiên có 20 tàu ngầm lớp Romeo, một loại tàu diesel nặng 1.800 tấn, được chế tạo dựa trên công nghệ từ những năm 1950 của Liên Xô. Ngoài ra, 40 tàu lớp Sang-O được đóng trong nước được thiết kế nhằm bí mật đưa lực lượng đặc nhiệm vào Hàn Quốc, bên cạnh đó còn có thể đặt thủy lôi và thực hiện các hoạt động chống hạm đơn giản.
Cuối cùng, Triều Tiên cũng có khoảng 10 tàu lớp Yono hạng nhẹ. Chính một tàu ngầm lớp Yono đã được cho là gây ra vụ đánh chìm tàu tuần dương Cheonan của Hàn Quốc, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Loại tàu này có thể sẽ gây ra nhiều tổn thất nhất cho Hải quân Mỹ và Hàn Quốc nếu sử dụng chiến thuật “vừa đánh vừa chạy”.
Theo chuyên gia hải quân Châu Á – Thái Bình Dương Koh Swee Lean Collin, “đội tàu của Triều Tiên gồm các tàu hạng nhẹ có kích cỡ nhỏ hơn, có khả năng lẩn tránh tốt hơn và dễ di chuyển qua nhiều vùng vịnh và các con lạch dọc bờ biển Triều Tiên”.
Rất có thể, phần lớn các tàu ngầm Triều Tiên được ẩn náu tại các con lạch nhỏ, và chỉ có vài tàu lớp Yono được điều ra các vùng biển nước ngoài, khiến cho quân đội Mỹ và Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc xác định vị trí của các tàu này.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.