Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”
Sáng 2/11, Bộ Thông tin - Truyền thông và Đại học Đà Nẵng phối hợp tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Đà Nẵng.
Triển lãm trưng bày 130 hiện vật được tập hợp, chọn lọc từ các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước, trong đó có rất nhiều hiện vật đặc biệt quý hiếm như: châu bản, bản đồ, thư tịch cổ…
Sinh viên Đại học Đà Nẵng tham quan hiện vật và trải nghiệm ứng dụng công nghệ tại triển lãm. |
Triển lãm tập trung vào những nhóm tư liệu chính gồm: bộ tranh vẽ “Lược sử Việt Nam” tóm tắt quá trình hình thành, xây dựng và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam qua các thời kỳ; nhóm các tư liệu thành văn của các triều đại phong kiến Việt Nam gồm các văn bản, thư tịch cổ thể hiện rõ việc các triều đại phong kiến Việt Nam đã thường xuyên tổ chức các hoạt động đi ra thăm dò, khai phá và xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngoài ra, còn có nhóm các bản đồ liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó, đặc biệt nhất là bộ Atlas Universel do Philippe Vandermaelen (1795 - 1869) - nhà địa lý học người Bỉ, người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ biên soạn; nhóm các tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa trong các thời kỳ Pháp thuộc và Việt Nam Cộng hòa; nhóm một số các tài liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo trong thời gian qua; và nhóm khu vực trình chiếu triển lãm số 3D, trải nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trên máy tính bảng.
Theo bà Trần Thị Quốc Hiền - Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông, biển, đảo là một phần “máu thịt” thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, biển đóng vai quan trọng trong sự phát triển về kinh tế cũng như vấn đề an ninh quốc gia.
"Việc giới thiệu, phổ biến các tư liệu, bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua triển lãm là một trong những hoạt động quan trọng, thiết thực của công tác thông tin, tuyên truyền về biển, đảo.
Triển lãm là một trong những hoạt động ý nghĩa đưa thông tin trực tiếp, đầy đủ, chính xác đến các cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường học. Qua đó, góp phần giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của thế hệ trẻ đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc", bà Hiền nói.
Trong khuôn khổ triển lãm, bên cạnh hoạt động tham quan, giảng viên và sinh viên tại Đà Nẵng còn được giao lưu với các chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông nhằm giải đáp, cung cấp thêm thông tin liên quan đến biển, đảo, đặc biệt là chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; xem trình chiếu triển lãm số hóa trên máy tính bảng.
Đặc biệt, phần mềm triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” được nhiều sinh viên thích thú trải nghiệm. Ứng dụng này được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ 3D giúp tích hợp và số hóa dưới dạng âm thanh và văn bản, theo đó các hiện vật to lớn và phức tạp mà trong thực tế rất khó vận chuyển và trưng bày nay đã được tái hiện sinh động trong không gian ảo, góp phần thông tin đến người xem một cách trực quan và rõ ràng nhất.
Triển lãm là hoạt động thông tin, tuyên truyền quan trọng đã và đang được tổ chức lần lượt tại nhiều địa phương, trường học trên cả nước, nhằm góp phần cung cấp chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc.
Qua đây, đông đảo nhân dân và nhất là thanh thiếu niên có điều kiện tìm hiểu rõ hơn quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Triển lãm mở cửa đến hết ngày 4/11/2020.
Hoàng Thanh