Trẻ suy gan, tổn thương não trong ngày 6 nhiễm Covid-19
Theo BS CK2 Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố Hồ Chí Minh, bệnh viện vừa cấp cứu 1 ca trẻ 13 tuổi bị Covid-19, viêm đa hệ thống và tổn thương não.
Bệnh nhi tên Tr. G. H, 13 tuổi, nam, ngụ tại Trà Vinh. Khai thác bệnh sử ghi nhận bệnh 6 ngày, từ ngày 1-4 sốt nhẹ, ho, đau họng, ngày 5-6 trẻ sốt cao, mệt mỏi, ăn uống kém, nhập bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc: lừ đừ, chi mát, mạch nhẹ 170 lần/phút, HA 80/60 mmHg, vã mồ hôi, thở 50 lần/phút, phổi không ran, bụng mềm, tĩnh mạch cổ không nổi, xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2 dương tính.
Chẩn đoán sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng, Covid-19 ngày 6. Chẩn đoán phân biệt sốc tim, theo dõi viêm cơ tim, Covid-19 cấp tính ngày 6, được điều trị thở oxy, truyền dịch chống sốc với Lactate Ringer 40 ml/kg trong 3 giờ, truyền thuốc vận mạch adrenaline liều 0,1 mcg/kg/ph, chuyển bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Tiền căn: chưa ghi nhận bệnh lý liên quan hay bệnh lý gì trước đó. Tại đây ghi nhận trẻ lư đừ, mạch quay rõ 120 lần/phút, huyết áp 100/60 mmHg, thở co kéo cơ liên sườn 36 lần/phút, phổi thô, bụng mềm. Xét nghiệm máu có tình trạng toan chuyển hóa máu nặng, Lactate máu tăng, phản ứng viêm tăng CRP 41,3 mg/L (bình thường < 5mg/L, Procalcitonin 75,4 ng/ml (bình thường < 0,5ng/ml), men gan tăng AST 1565 đv/L, ALT 634 đv/L (bình thường < 40 đv/L), xét nghiệm Real Time RT PCR SARS-CoV-2 dương tính.
Một trường hợp trẻ biến chứng do Covid-19. |
Trẻ được chẩn đoán sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng, tồn thương gan, Covid-19 ngày 6, được điều trị hỗ trợ hô hấp, kháng viêm, kháng virus, kháng sinh, kháng đông, bù bicarbonate, điều chỉnh điện giải. Diến tiến sau điều trị gần 2 tuần tình trạng trẻ cải thiện dần, các chỉ số viêm cải thiện, xét nghiệm Real Time RT PCR SARS-CoV-2 âm tính.
Tuy nhiên đến tuần thứ 3 trẻ sốt lại, đỏ mắt, đỏ da, có biểu hiện rối loạn phối hợp vận động, loạng choạng, thất điều, than nhức đầu, xét nghiệm phản ứng viêm trong máu tăng cao trở lại (VS, CRP, PCT, LDH, Ferritin,…), trẻ được chọc dò dịch não tủy xét nghiệm bình thường và được chụp MRI não, ghi nhận tổn thương đồi thị hai bên, tổn thương chất trắng của tiểu não.
Trẻ được chẩn đoán hội chứng viêm đa hệ thống, tổn thương não, được điều trị kháng viêm liều cao, kháng đông phòng ngừa tắc mạch. Kết quả sau thêm một tuần điều trị trẻ hết sốt, hết đỏ da, tỉnh táo, ăn uống khá, xét nghiệm phản ứng viêm về bình thường, được xuất viện điều trị tiếp đủ liệu trình kháng viêm và tái khám theo hẹn.
Đây là trường hợp hiếm gặp trẻ mắc Covid-19 có tổn thương gan nặng và sau đó lại xuất hiện hội chứng viêm đa hệ thống có biệu hiện tổn thương thần kinh.
Trước đó, truờng hợp trẻ Ph. T. T. D. 5,5 tháng tuổi, nam, ngụ tại Bình Hưng Hòa, Bình Tân, nhập viện trong tình trạng khó thở tím tái. Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ bệnh 2 ngày, sốt nhẹ, ho sổ mũi, khóc khàn tiếng ho ong ỏng khào khào, đến đêm em lên cơn khó thở tím tái nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.
Tại đây ghi nhận em khó thở, tím tái, mẹ phải bồng trên vai, co kéo lồng ngực, co lõm ngực ức, thở nghe tiếng rít thì hít vào, SpO2 giảm còn 82%, phết mủi họng làm test nhanh SARS-CoV-2 dương tính và Real Time RT PCR sau đó cũng dương tính.
Trẻ được chẩn đoán viêm thanh quản cấp, khó thở thanh quản đỗ Iib suy hô hấp nặng và được điều trị thở oxy qua mask có túi dự trữ, thuốc kháng viêm dexamethasone tiêm bắp, khí dung adrenaline để chống phù nề đường thở.
Sau 1 giờ tình trạng em không cải thiện vẫn còn khó thở nên được tiếp tục khí dung adrenaline phối hợp với khí dung budesonide.
Kết quả sau 24 giờ điều trị tình trạng em đã cải thiện, bớt khó thở, ăn uống được và được tiếp tục theo dõi và điều trị tại khoa Nhiễm. Được biết mẹ cũng mắc Covid-19 trước đó 5 ngày, có thể lây truyền cho trẻ trong lúc chăm sóc.
BS Tiến khuyến cáo, phụ huynh lưu ý đưa con em mình tiêm ngừa vắc xin Covid-19 theo chương trình, chuẩn bị chu đáo cho con em mình trước khi đi tiêm như cho các cháu biết lợi ích của tiêm ngừa, động viện trẻ không phải lo lắng nhiều mà giống như đi tiêm ngừa vaccin thông thường khác, cho trẻ mặc áo tay ngắn để dễ tiếp cận vị trí tiêm, cho trẻ ăn uống để tránh hạ đường huyết nên mang theo chai nước uống, hộp sữa, ít bánh kẹo nếu được, phụ huynh đi theo giữ trẻ tránh cho để trẻ chạy nhảy, nghịch ngợm gây mất trật tự, không gian trẻ chờ thoáng mát có các hoạt động giải trí, trò chuyện với trẻ… để trẻ thoải mái khi chờ đến lượt tiêm chủng…
Khánh Chi