Trẻ nhỏ có dấu hiệu này cảnh báo đang nguy hiểm
Theo các bác sĩ, dịp Tết số trẻ nhập viện cấp cứu vì dị vật đường tiêu hoá, đường thở tăng lên đặc biệt dị vật đường thở có thể cướp đi mạng sống của trẻ trong tích tắc.
Dị vật đường thở nguy hiểm
Trong các dịp Tết Nguyên đán, khoa Hô Hấp 1 - Bệnh viện Nhi Đồng 2 đều tiếp nhận các trường hợp bị dị vật đường thở, bệnh nhi phải nội soi hô hấp để lấy dị vật. Các trường hợp đều dưới 3 tuổi, đây cũng là lứa tuổi thường gặp. Có trường hợp trẻ bị hóc hạt dưa, học đậu phộng, sặc sữa, sặc thức ăn.
Theo BS.CK1 Đoàn Thị Thanh Hồng - Khoa Hô hấp 1 – BV Nhi đồng 1, khi bị hóc dị vật đường thở ngoài việc gây bít tắc đường thở, điều nguy hiểm là các loại hạt này có tinh dầu, khi vào đường thở sẽ gây tình trạng viêm rất nặng. Đặc biệt một số dị vật như thạch rau câu, hạt trân trâu, các hoa quả nhãn, chôm chôm, các hạt tròn có thể làm tắc nghẽn đường thở dẫn đến thiếu oxy, tử vong.
Do vậy, bác sĩ Hồng khuyến cáo cha mẹ dịp Tết vẫn cần đề ý con cái đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu sau phải nhanh chóng nghĩ tới trẻ bị dị vật đường thở có biện pháp sơ cứu ngay:
Dấu hiệu: Dị vật đường thở thường xảy ra đột ngột trên trẻ trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường. Trẻ có biểu hiện cơn ho sặc sụa dữ dội, khó thở, tím tái. Một số trẻ kèm theo hoảng loạn, kích động. Trẻ lớn hơn, có thể ôm cổ và ra dấu hiệu đang bị nghẹn ở cổ. Nếu dị vật gây tắc nghẽn hoàn toàn đường thở, trẻ sẽ có biểu hiện suy hô hấp, tím tái, ngưng tim.
Biến chứng có thể gặp khi bị dị vật đường thở có thể xảy ra ngay lập tức, trẻ có khó thở. Nếu không kịp thời xử trí sẽ dẫn đến ngạt thở. Trường hợp dị vật có thể bị bỏ quên vì qua giai đoạn ho sặc sụa ban đầu, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái và giảm kích thích hơn do dị vật đã đi xuống dưới, nếu trẻ không được chứng kiến bởi người lớn trước đó thì sẽ bị bỏ qua dẫn đến trẻ ho kéo dài, viêm phổi tái diễn....
Trẻ bỗng nhiên ho sặc sụa cảnh giác với dị vật. |
Cách xử trí khi trẻ bị hóc dị vật
Trường hợp nếu trẻ còn hồng hào, khóc được, nói được, la hét, không khó thở, cha mẹ nên đặt ở tư thế ngồi thở, giữ yên trẻ và đưa đến bệnh viện ngay.
Trường hợp nếu trẻ tím tái, khó thở, không khóc hoặc khóc yếu, cha mẹ nhanh chóng gọi cấp cứu, người hỗ trợ và tiến hành thủ thuật vỗ lưng, ấn ngực.
Đối với trẻ dưới 2 tuổi, thao tác vỗ lưng, ấn ngực được thực hiện như sau:
Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái. Dùng ngón trỏ và ngón giữa tay trái đẩy cằm trẻ lên cho cổ ưỡn tránh gập đường thở.
Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai.
Sau đó, lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu trẻ còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái.
Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.
Đối với trẻ lớn (từ trên 2 tuổi) thì làm thủ thuật Heimlich:
Trường hợp trẻ còn tỉnh:
Đứng hoặc quỳ phía sau, vòng 2 tay qua người trẻ
Đặt 1 bàn tay (nắm đấm) dưới mũi ức
Đặt bàn tay kia ôm lấy nắm đấm
Ấn bụng mạnh hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên 5 lần
Kiểm tra miệng lấy dị vật nếu có
Nếu vẫn còn tắc nghẽn thì tiếp tục lặp lại ấn bụng như trên
Trường hợp trẻ hôn mê, bất tỉnh:
Đặt trẻ nằm ngửa.
Người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ.
Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp.
Sau đó kiểm tra đường thở. Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài thì tiếp tục làm lại các bước trên cho đến khi dị vật rơi ra hoặc đội cấp cứu tới.
Để phòng dị vật đường thở, Hội Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo cha mẹ không nên cho trẻ dưới 4 tuổi ăn những thức ăn cứng hoặc tròn như: kẹo, đậu phộng, nho, các loại hạt…Trẻ nên được ngồi thẳng khi ăn, và phải được giám sát bởi người lớn.Trẻ nên được hướng dẫn cách nhai kỹ thức ăn và tránh la hét, nói cười, chạy nhảy hay khóc khi ăn. Để xa tầm tay trẻ những vật dụng hay những mảnh đồ chơi nhỏ.
Khánh Chi