Trẻ mắc Covid-19 nhẹ, bố mẹ đã vội cho uống kháng sinh phòng trước cho yên tâm
Theo Ths. BS Nguyễn Đình Tỉnh thuốc kháng sinh, chống viêm không có chỉ định với trẻ mắc Covid mức độ nhẹ, không có biểu hiện bội nhiễm, chỉ sử dụng khi có hướng dẫn của các bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng.
Cứ sốt là uống kháng sinh trước… cho chắc
Chị Thuý Phượng (Hà Nội) cho biết, nhà chị có hai con (một bé 4 tuổi 20kg; một bé 2 tuổi 10kg) xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính. Hiện đang chờ kết quả xét nghiệm PCR. Trước đó, bố của 2 bé cũng là F0.
Người phụ nữ hai con này cho biết, 11h đêm qua cả 2 bé đều sốt 39 độ em có dán miếng và đút viên đạn thấy hạ sốt, nhưng việc hạ sốt rất chậm.
Quá sốt ruột nên chị Phượng đã tự cho bé 10kg uống 1 gói kháng sinh augmentin 250g. Thế nhưng đến sáng nay, con vẫn sốt và thi thoảng ho.
Nhiều bà mẹ có con mắc Covid-19 do quá lo lắng nên vội vàng cho uống kháng sinh |
Chị lo lắng hỏi bác sĩ “trường hợp 2 bé nhà em có bắt buộc phải uống kháng sinh augmentin không? Vì em đang phân vân không biết có phải uống hay không, có nên cho con tiếp tục uống?”.
Tình trạng cho con uống thuốc kháng sinh ngay khi mới bắt đầu có test nhanh dương tính như chị Phượng khá phổ biến của các gia đình có con nhỏ là F0 hiện nay.
Thậm chí, test nhanh con âm tính nhưng cứ sốt là… cho uống kháng sinh ngay để… phòng trước.
Chị Hường (Sơn Tây) là ví dụ điển hình. Mùng 2 Tết, con trai chị học lớp 7 sốt. Chị mua test nhanh ở hiệu thuốc gần nhà về tự làm cho con. Kết quả con âm tính. Sợ tự mình làm không đúng kỹ thuật nên kết quả không chính xác. Trong khi con sốt, cứ hết thời gian thuốc hạ sốt là thân nhiệt lại tăng.
“Lo sợ con viêm nhiễm ở đâu mà chưa phát ra, hoặc virus SARS- CoV- 2 nó tấn công chỗ nào đó mà mình không biết nên tôi cứ cho con uống kháng sinh luôn cho chắc”, chị Hường cho hay.
Sau 2 ngày, con chị vẫn không hết sốt. Lúc này chị mới đưa ra viện làm xét nghiệm, kết quả con chỉ bị sốt virus thông thường, bác sĩ cho biết không đến mức phải dùng kháng sinh.
Bác sĩ Nguyễn Huy Chung, Bệnh viện quân y 103 cho biết, với những trẻ đã xác định chính xác mắc Covid-19 mà mới chỉ sốt, chưa có ho, khạc đờm đục thì chưa cần dùng kháng sinh. Các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng mà vội cho con uống kháng sinh sớm.Thay vào đó, con có triệu chứng nào thì điều trị triệu chứng ấy.
Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh
Hướng dẫn kỹ hơn các bước xử trí khi phát hiện trẻ nhiễm Covid-19, Ths. BS Nguyễn Đình Tỉnh, Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y tế Công Cộng cho biết, phần lớn trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc chủ yếu là các triệu chứng ở mức độ nhẹ: sốt, ho, sổ mũi, ngạt mũi, đau họng, trẻ lớn có thể đau đầu, đau mỏi người, mất vị giác, khứu giác, trẻ nhỏ thì quấy, ít chơi hơn.
Một số trẻ có các biểu hiện ở đường tiêu hóa như: đau bụng, buồn nôn, nôn. Trẻ tỉnh táo, sinh hoạt bình thường, ăn/uống/bú bình thường. Không có biểu hiện của viêm phổi. Nhịp thở bình thường so với tuổi. Không có dấu hiệu thiếu oxy: sp02 ≥ 96%
Theo đó, khi phát hiện con nhiễm Covid-19, các bậc phụ huynh cần thực hiện 4 bước.
Bước 1: Báo cho y tế địa phương. Trẻ em là đối tượng khác biệt so với người lớn, một số trẻ < 3 tháng, trẻ có bệnh lý nền nên được theo dõi tại cơ sở y tế. Và việc phân luồng sắp xếp sẽ do y tế địa phương phụ trách.
Bước 2: Kết nối với đội ngũ bác sĩ hỗ trợ F0. Trẻ em khác biệt người lớn vì không thể phản ánh chính xác tình trạng của mình, các triệu chứng thay đổi từng ngày. Nhiều phụ huynh chưa có kinh nghiệm trong việc theo dõi trẻ, do đó rất cần sự hướng dẫn và hỗ trợ của các bác sĩ để tránh bỏ sót những dấu hiệu nặng của bệnh, cũng như hạn chế sự lo lắng quá mức của gia đình.
Bước 3: Chuẩn bị phòng, người chăm sóc cho trẻ. Vì bé sẽ có khoảng thời gian ít nhất 2 tuần ở trong phòng, trong nhà, do đó cần đảm bảo bé sẽ có thể có đủ đồ chơi, không gian vận động thoải mái. Khi trẻ ốm phải chú ý đến tâm lý của trẻ, tạo không khí thoải mái, vui vẻ, hạn chế những căng thẳng, stress, lo lắng cho các con.
Bước 4: Chuẩn bị thuốc và các vật dụng cần thiết cho chăm sóc trẻ gồm:
Thuốc hạ sốt. Bình thường các đợt ốm trước bé dùng hạ sốt gì thì đợt này mình dùng loại hạ sốt đó, theo đúng cân nặng của con. Với trẻ khó uống thuốc nên chuẩn bị thêm thuốc hạ sốt đặt hậu môn để dùng trong trường hợp trẻ không uống được.
Thuốc ho thảo dược và thuốc ho long đờm: chọn 1 loại thảo dược và 1 loại thuốc long đờm tây y. Thời gian đầu trẻ có ho thì sử dụng thuốc ho thảo dược trước.
Các dung dịch xịt mũi, vệ sinh mũi họng. Mục đích sử dụng là vệ sinh mũi họng cho trẻ, giảm sự khó chịu cho trẻ, giảm nguy cơ bội nhiễm.
Các thuốc tăng sức đề kháng và các vitamin. Mục đích hỗ trợ trong quá trình điều trị. Trẻ lớn: thuốc vitamin nhóm B, C. Trẻ nhỏ: multivitamin dạng siro. Với những trẻ ăn uống, dinh dưỡng tốt, không mệt nhiều thì không quá cần thiết phải sử dụng vitamin. Không sử dụng quá nhiều loại vitamin cùng một lúc dễ gây dư thừa và gây ra các tác dụng phụ.
Ngoài các loại thuốc trên, các bậc phụ huynh cũng cần chuẩn bị sẵn kẹp nhiệt độ. Ưu tiên nhiệt kế điện tử kẹp nách. Nếu không có dùng nhiệt kế thủy ngân kẹp nách. Máy đo sp02 theo lứa tuổi (nếu có điều kiện, không bắt buộc).
Ths. BS Nguyễn Đình Tỉnh cũng lưu ý, trẻ mắc Covid-19 với biểu hiện viêm đường hô hấp trên hầu hết tự hồi phục sau 1 – 2 tuần.
Thường ngày thứ 7 – 10, nếu không có các biến chứng nặng trẻ sẽ dần hết các triệu chứng lâm sàng và khỏi bệnh. Số ít diễn tiến nặng, ngày thứ 5-8 của bệnh.
Do đó, thuốc kháng sinh, chống viêm không có chỉ định với Covid-19 mức độ nhẹ, không có biểu hiện bội nhiễm.
“Những loại kháng sinh này chỉ sử dụng khi có hướng dẫn của các bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng”, BS Tỉnh nhấn mạnh.
Đáng lưu ý, cho đến hiện tại chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu với Covid dùng cho trẻ dưới 12 tuổi tại nhà. Do đó, vấn đề chăm sóc, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh.
Cụ thể, vấn đề dinh dưỡng cho trẻ là vấn đề hàng đầu cần quan tâm. Các bậc phụ huynh cần chia nhỏ bữa ăn, ăn thành nhiều bữa, lựa chọn thực phẩm lỏng, dễ tiêu, giàu năng lượng. Đảm bảo bù đủ nước điện giải cho trẻ trong trường hợp trẻ có sốt cao liên tục: trẻ lớn, trẻ hợp tác thì bổ sung oresol, một số nước hoa quả. Trẻ trong độ tuổi bú mẹ: cho bú mẹ nhiều hơn.
“Các bậc phụ huynh không được chủ quan với các dấu hiệu bất thường của bệnh. Việc theo dõi sát sao hàng ngày và thông tin đến các bác sĩ giúp phát hiện sớm những trường hợp chuyển nặng.
Tất cả những hướng dẫn của các bác sĩ đều theo sát hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế. Với các thuốc xách tay, các thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc chưa được cấp phép, thuốc không có trong khuyến cáo điều trị của Bộ Y tế Việt Nam thì không sử dụng”, BS Tỉnh lưu ý.
- Theo dõi nhiệt độ ngày 2 lần, khi sốt. Ghi lại diễn biến thời gian dùng hạ sốt, nhiệt độ khi sốt, liều lượng thuốc hạ sốt.
- Theo dõi nhịp thở khi ngủ ngày 2 – 3 lần (ghi lại).
- Theo dõi Sp02 ngày 2 lần (nếu có máy).
- Quan sát trẻ ăn, trẻ chơi xem có dấu hiệu gì bất thường không.
Những dấu hiệu cần báo với nhân viên y tế:
- Sốt cao liên tục > 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt (dùng hạ sốt sau khoảng 1 – 2 giờ nhiệt độ không giảm).
- Sốt cao quá 48 giờ.
- Mệt nhiều, ăn/uống/ bú kém hơn.
- Thở nhanh: Trẻ < 2 tháng: > 60 lần/phút; 2 – 11 tháng: > 50 lần/phút; 1 – 5 tuổi: > 40 lần/phút; > 5 tuổi: > 30 lần/phút
- spO2 < 96%
- Ho cơn dài, trẻ lớn: tức ngực, khó thở.
- Trẻ ít chơi, quấy khóc nhiều.
N. Huyền