Trẻ em mắc Covid-19 và khỏi bệnh có cần tiêm vắc xin Covid-19?
Sau mắc Covid-19, theo chuyên gia, cơ thể trẻ đã có một dạng miễn dịch đặc hiệu để chống lại virus SARS-CoV-2. Do đó, thường sau khỏi bệnh khoảng 3-6 tháng, việc tiêm vắc xin là phù hợp nhất để tạo miễn dịch tốt hơn.
Hiện nay, một vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm là trẻ em đã mắc Covid-19 và khỏi bệnh có cần tiêm chủng vắc xin Covid-19 hay không. Nếu có, sau bao lâu nên đưa các con đi tiêm chủng.
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề trên, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người mắc Covid-19 đã điều trị khỏi, hoàn thành việc cách ly y tế có thể tiêm vắc xin Covid-19 sau 2 tuần.
Tuy nhiên, theo PGS Điển, sau khi mắc Covid-19, cơ thể trẻ em đã có một dạng miễn dịch đặc hiệu để chống lại virus SARS-CoV-2. Điều này cũng tương tự những bệnh lý nhiễm virus khác như cúm mùa.
“Mỗi virus hay vi khuẩn khi xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ “chống đỡ lại’ bằng cách sản sinh ra kháng thể hoặc tế bào nhớ. Nếu virus, vi khuẩn đó xâm nhập vào cơ thể ở lần sau,“tế bào nhớ” sẽ xuất hiện lại, sản xuất ra kháng thể để chống lại vi khuẩn, virus này”, PGS Điển phân tích.
Do đó, thông thường, sau khỏi bệnh khoảng 3-6 tháng, việc tiêm vắc xin Covid-19 cho bé là phù hợp nhất để tạo miễn dịch tốt hơn.
Với những trẻ em đã tiêm vắc xin Covid-19 rồi mới mắc bệnh, PGS Điển cho biết, chưa cần thiết cho bé tiêm các mũi tiếp theo sau khỏi Covid-19.
Một bệnh nhi Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương |
Hướng dẫn cập nhật mới nhất của Bộ Y tế nêu rõ, người sau khi mắc Covid-19, được điều trị khỏi bệnh (hồi phục) và hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định cần sớm được tiêm chủng vắc xin Covid-19 bao gồm các liều vắc xin cơ bản và mũi tiêm nhắc lại.
Từ tháng 11/2021, Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi trên toàn quốc. Đến gần đây, Bộ Y tế thông tin đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhóm trẻ từ 5-11 tuổi.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã trao đổi chặt chẽ và thường xuyên tham khảo ý kiến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nhà khoa học; học hỏi kinh nghiệm triển khai của các nước về việc tiêm chủng cho nhóm đối tượng này.
Bộ cũng theo sát thông tin vắc xin nào được tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 5-11 tuổi, những phản ứng có thể xảy ra. "Khi có vắc xin, chúng ta sẽ triển khai tiêm từng bước thận trọng chắc chắn, đảm bảo vấn đề an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu”, Bộ trưởng nói.
Vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer đã được WHO chính thức cấp phép tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi (vắc xin này cũng đã được tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi tại Việt Nam). Hôm 5/2, Chính phủ đồng ý mua 21,9 triệu liều vắc xin Pfizer cho trẻ nhóm tuổi từ 5-11; giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vắc xin, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.
Tới ngày 9/2, Bộ Y tế công bố kết quả khảo sát trực tuyến do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế tiến hành trên 415.000 phụ huynh có con dưới 12 tuổi tại 63 tỉnh, thành phố. Qua khảo sát, có 60,6% đồng ý tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ; 7,6% đồng ý nếu yêu cầu bắt buộc; 29,1% cân nhắc; 1,9% phụ huynh không đồng ý.
Nguyễn Liên
Trẻ mắc những bệnh này, bố mẹ cần lưu ý nếu mắc Covid-19 sẽ dễ chuyển nặng
Nhóm trẻ có nguy cơ chuyển nặng nếu mắc Covid-19 bao gồm: trẻ đẻ non, cân nặng thấp, trẻ mắc các bệnh đái tháo đường, trẻ mắc các bệnh lý rối loạn chuyển hoá, bất thường gene, béo phì.
Gần 20% bệnh nhân mắc Covid-19 là trẻ em dưới 18 tuổi, chuyên gia hướng dẫn cách phòng bệnh khi con quay lại trường
Tỷ lệ mắc Covid-19 ở trẻ dưới 18 tuổi so với mắc chung toàn quốc là 19% (khoảng 490.000 ca), trong đó tỷ lệ trẻ tử vong chiếm 0,42 % (165 trẻ) so với tỷ lệ tử vong chung.