Trào lưu 'xử đẹp' tuyến giáp
Dù không được các hiệp hội chuyên ngành khuyến khích, tại Việt Nam vẫn có trào lưu tầm soát ung thư tuyến giáp và đang theo cách của Hàn Quốc: Tầm soát - Chẩn đoán và điều trị quá mức.
Chị Nguyễn Thị Nga (33 tuổi, trú tại TP.HCM) trong lần khám sức khoẻ tổng quát của công ty chị được bác sĩ tư vấn siêu âm tuyến giáp và nghi ngờ ung thư tuyến giáp do chỉ số tirads lên tới 4. Bác sĩ khuyên chị Nga nên chọc sinh thiết tìm tế bào ác tính.
Nghe tới ung thư, chị Nga bủn rủn chân tay. Chị cầm kết quả về và tới gặp bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ – Khoa Ung bướu, Bệnh viện thành phố Thủ Đức xin tư vấn.
Với kết quả trên, bác sĩ Vũ cho rằng chị Nga không cần thiết phải làm sàng lọc và mổ ung thư tuyến giáp như phòng khám kia hướng dẫn.
Thực tế, bác sĩ Vũ cho biết chị Nga chỉ là mô lành tính, nhân hỗn hợp chỉ cần theo dõi hàng năm, không cần phải mổ.
Không riêng gì chị Nga, có những ngày bác sĩ Vũ gặp 2 – 3 tìm tới cầu cứu vì K tuyến giáp. Đặc điểm chung của họ là đi khám tổng quát và được siêu âm tuyến giáp. Sàng lọc ung thư tuyến giáp bằng siêu âm đang phổ biến hiện nay tới mức 1 phòng khám nhỏ nhỏ cũng trang bị máy siêu âm để siêu âm và khuyên người bệnh sinh thiết, mổ.
Các “con đường xử đẹp” tuyến giáp như vậy đều không cần thiết và sai lầm. Thậm chí người bệnh còn chịu tổn thương nhiều hơn – BS Vũ cho biết - các xét nghiệm như siêu âm hay chọc hút tế bào (FNA) đều có khả năng gây dương tính giả (không bệnh thành có bệnh) nên nhiều bệnh nhân phải trải qua cuộc mổ oan uổng.
Ảnh minh hoạ. |
Ung thư tuyến giáp được xem là một loại ung thư tiến triển rất chậm, với rất nhiều người mắc bệnh nhưng vẫn sống hoàn toàn khỏe mạnh mà không cần thiết điều trị. Nhiều trung tâm ung thư lớn tại Mỹ, Nhật, Hàn Quốc đã áp dụng chương trình theo dõi mà không cần mổ nếu khối u nguy cơ thấp.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Nguyên Quý hiện là bác sĩ điều trị tại Khoa Ung thư nội, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren cho rằng ít bệnh nhân biết rằng K giáp thuộc nhóm "hiền lành", tùy tình huống mà vẫn có thể để theo dõi thêm hoặc chỉ cần cắt một phần để bảo tồn chức năng tuyến giáp.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều bệnh nhân vẫn muốn mổ cắt toàn bộ tuyến giáp "cho yên tâm" trong khi một số bác sĩ cũng muốn theo hướng này vì các lý do: dễ mổ hơn, mổ nhanh hơn và đỡ trách nhiệm. Bác sĩ ngoại khoa cũng thường được người bệnh cảm ơn nhiều hơn vì đã "xử đẹp" tuyến giáp dù biết rằng họ sẽ phải bổ sung hormone tuyến giáp suốt đời.
Ung thư tuyến giáp đã trở thành một căn bệnh được chẩn đoán ngày càng nhiều ở Hoa Kỳ. Trong vòng 25 năm qua, số ca bệnh được ghi nhận tăng gấp ba lần, phần lớn phản ánh khả năng phát hiện những khối u giáp dạng nhú kích thước nhỏ.
Theo bác sĩ Quý, dù tỉ lệ chẩn đoán bệnh tăng nhanh như vậy, tỉ lệ tử vong vì ung thư tuyến giáp vẫn không thay đổi, gợi ý rằng chẩn đoán quá mức là một vấn đề ẩn đằng sau. Chính vì vậy, Hiệp hội tuyến giáp Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng không nên tầm soát ung thư tuyến giáp, và không nên sinh thiết những khối u nhỏ.
Ngoài ra, việc điều trị quá mức cũng là vấn đề cần nói tới. Khi phát hiện ra khối u trong tuyến giáp, có hai lựa chọn là cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp hoặc chỉ cắt một phần có khối u.
BS Vũ cho biết thêm, tại Hàn Quốc, dựa vào siêu âm, các bác sĩ đã phát hiện rất nhiều các trường hợp ung thư tuyến giáp với kích thước rất nhỏ. So với trước năm 1999, năm 2011 đã phát hiện số lượng ung thư giáp gấp 15 lần so với trước kia, trong đó hơn phân nửa là các khối u dưới 1cm, điều này khiến cho ung thư giáp trở thành loại ung thư thường gặp nhất tại Hàn quốc.
Tuy nhiên bắt đầu từ năm 2014, sau 15 năm thực hành, các bác sĩ tại Hàn Quốc đã tìm hiểu kỹ về vấn đề này và họ thấy rằng, dù số lượng ung thư tuyến giáp được phát hiện gia tăng rất đáng kể nhưng tỷ lệ tử vong do bệnh lý này vẫn không thay đổi, cho thấy phần lớn bệnh nhân đã bị điều trị không cần thiết, do đó hiện nay “phong trào” siêu âm bướu cổ tại Hàn quốc đã giảm dần.
Khánh Chi