Tranh chấp đảo: Quân đội Nhật trỗi dậy sau 7 thập kỷ náu mình
Ngoài việc đề xuất các chính sách mới, họ cũng kêu gọi Chính phủ Nhật Bản tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm đường không và đầu tư vào tác chiến không gian mạng.
Các đề xuất đã được soạn thảo bởi một nhóm lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do LDP do cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shigeru Ishiba và Gen Nakatani dẫn đầu. Đây là hai chính trị gia có tầm ảnh hưởng rất lớn đối quốc phòng nước này nên đề xuất của họ có sức nặng đáng kể đối với Chính phủ của Thủ tướng Abe.
Khi Nhật Bản trở nên mạnh hơn, lúc đó Bắc Kinh cũng sẽ trở nên bận rộn hơn và họ sẽ không còn có nhiều thời gian để "tung hoành" như bây giờ. |
Narushige Michishita, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện nghiên cứu chính sách Nhật Bản trao đổi: “Họ là những người rất quan trọng, các khuyến nghị của họ sẽ được đưa vào thành chính sách cụ thể cho việc chi tiêu, mua sắm cho kế hoạch quốc phòng 5 năm đang được Bộ Quốc phòng soạn thảo và công bố trong vài ngày tới”.
Họ cùng với chính quyền của Thủ tướng Abe đang tìm cách thay đổi Điều 9 trong Hiến pháp Nhật Bản để thay thế cơ cấu tổ chức Lực lượng phòng vệ quốc gia trong đó Thủ tướng sẽ nắm quyền Tổng tư lệnh.
*Tàu ngầm Kilo Việt Nam hiện đại vượt trội so với Kilo của Trung Quốc
* Xem trực thăng, tiêm kích SU- 30 bay tuần tra Song Tử Tây, Trường Sa
* Hình ảnh chưa từng công bố về tên lửa S – 300 của Việt Nam
Christopher Hughes, giáo sư chính trị quốc tế Đại học Warwick của Anh nhận xét: “Nhật Bản đang xem xét một số lựa chọn để tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của họ bằng cách tăng cường đầu tư cho 4 tàu khu trục Aegis lớp Kongo và 2 tàu Aegis lớp Atago tham gia vào hệ thống. Trước đó chỉ có 4 tàu Aegis lớp Kongo tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa chung với Mỹ”.
Phòng thủ tên lửa đạn đạo đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của Nhật Bản. Với những gì Nhật Bản đang và sẽ có đủ để là lu mờ khả năng tên lửa đạn đạo của Trung Quốc. |
Nhật Bản đã đưa ra đề nghị đặc biệt để mua hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD, một biến thể cao cấp của hệ thống PAC-3 để tăng cường mật độ hệ thống đánh chặn trên đất liền. Bên cạnh đó là sự tăng cường triển khai thêm hệ thống đánh chặn PAC-3 MSE biến thể mới nhất của gia đình MIM-104.
Các nhà hoạch định quốc phòng Nhật Bản đã nhìn thấy mối đe dọa ngày càng tăng từ sự trỗi dậy không ngừng của quân đội Trung Quốc. Đặc biệt, sự phát triển của tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D không chỉ là mối đe dọa đối với tàu sân bay Mỹ.
Ngoài việc nâng cấp hệ thống chiến đấu tối tân Aegis trên các tàu khu trục Aegis của Nhật Bản để sẵn sàng tiếp nhận tên lửa đánh chặn siêu hạng SM-3 block IIA khi tên lửa được đưa vào trang bị. Nhật Bản cũng đang xem xét việc mua thêm tên lửa phòng không tối tân RIM-174 SM-6.
Phòng thủ tên lửa đang trở thành mối quan tâm đặc biệt của Nhật Bản khi mà đối thủ lớn nhất của họ trong khu vực châu Á là Trung Quốc có quá nhiều tên lửa đạn đạo. Khi Trung Quốc trở nên mạnh hơn, họ bắt đầu thách thức Nhật Bản, tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một minh chứng.
Thậm chí tham vọng của Bắc Kinh còn vươn tới tận quần đảo Okinawa. Nếu tiếp tục duy trì chính sách quốc phòng như lúc trước, Nhật Bản khó lòng chống chọi lại Trung Quốc trong cuộc chiến tranh giành chủ quyền trên biển.
Động thái tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản có thể được các nước trong khu vực chào đón, nhất là những nước có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh. Một Nhật Bản hùng mạnh hơn sẽ khiến Bắc Kinh phải bận rộn, những nước vốn bị “bắt nạt” sẽ có thêm sự ủng hộ để tiếp tục đấu tranh đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình.
Quốc Việt