Tranh cãi gay gắt về việc giáo viên không được gọi học sinh là con
Nhiều ý kiến cho rằng cách xưng “thầy, cô” gọi “con” thể hiện sự thân thiết chứ không có gì nhầm lẫn vị trí.
Mới đây, nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lại Nguyên Ân, đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình bài viết với nhan đề "Yêu cầu giáo viên và cán bộ giáo dục không gọi học sinh là Con" thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Cụ thể, bài đăng có nêu rõ:
“1. Cấm giáo viên gọi (xưng hô) học trò là “Con”, “Các con”; phải gọi là “Trò”, “Các trò”, “Các em”, “Các bạn”.
2. Yêu cầu các nhà báo, các phương tiện truyền thông không gọi học trò mọi cấp (từ mẫu giáo đến đại học) là “các con”, “con”, khuyến khích các phương tiện truyền thông gọi học sinh là “các bạn”; cũng yêu cầu các nhà báo, các viên chức tại các giao tiếp sự vụ và công cộng, phải gọi người dạy học là “giáo viên”, “giảng viên”, không gọi là “thầy”, “cô”; dành riêng cho học trò, người đang đi học cách gọi “thầy giáo”, “cô giáo”!
3. Khuyến khích học trò các cấp, nhất là sinh viên đại học, xưng “Tôi” trước giáo viên, ngay cả trong không gian trường học”.
Ảnh minh họa |
Ngay sau khi quan điểm trên được đăng tải, một cuộc tranh cãi gay gắt đã nảy sinh trên mạng xã hội.
Nhiều ý kiến ủng hộ kiến nghị của nhà nghiên cứu bởi theo đúng nghĩa tiếng Việt thì cách gọi “con” chỉ dành cho bố mẹ là những người có công sinh thành, chăm sóc và nuôi dưỡng hàng ngày. Hơn nữa gọi "cô/thầy" xưng "con" tạo cảm giác gia đình quá, đôi khi học sinh lại có tâm lý khúm núm vì xưng danh nên không dám tranh luận, không dám đặt câu hỏi chỉ vì xưng hô mang tính chất bề trên - người dưới trong gia đình.
Ở một diễn biến khác, nhiều bình luận lại phản đối đề xuất trên vì cho rằng cách xưng “thầy, cô” gọi “con” thể hiện sự thân thiết chứ không có gì nhầm lẫn vị trí như bài đăng nêu ra. Hơn nữa, việc sinh viên xưng “tôi” ở môi trường giáo dục sẽ tạo khoảng cách nhất định, khiến học sinh nhất là khối tiểu học có cảm giác xa cách và sợ giáo viên.
Nguyễn Minh Trang - học sinh lớp 3 trưởng Tiểu học Newton (Hà Nội) cho biết học sinh này rất thích được giáo viên gọi là con - xưng cô.
“Con có cảm giác cô giáo giống như người mẹ thứ hai nên việc cô gọi mình là con rất gần gũi và con không còn thấy khoảng cách hay sợ hãi với cô giáo mà thoải mái hỏi những vẫn đề mình đang thắc mắc. Từ khi còn học mẫu giáo con đều gọi cô giáo là “ cô” và xưng là “con”, Minh Trang nói.
Là giáo viên chủ nhiệm lớp 7 tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), cô giáo Lương Hằng Nga cho biết bản thân vẫn gọi học sinh của mình là "con" và đa số học sinh cũng xưng "con" với giáo viên và với giáo viên này thì việc xưng hô thể hiện sự gần gũi, thân thiết, yêu thương chứ không có gì mà phải lôi ra tranh cãi.
“Thầy cô chúng tôi tất nhiên không ai ép học sinh phải xưng “con” cả và đôi khi các học sinh xưng “con” cũng như một thói quen theo các em từ bậc mẫu giáo. Có thể khi sau này học lên lớp lớn hơn thì bản thân các bạn sẽ thay đổi cách xưng hô là “em”.
Tuy nhiên, có những học sinh của tôi khi tốt nghiệp đại học và quay lại trường vẫn gọi giáo viên là “cô” và xưng “con”. Điều quan trọng nhất là, tôi thấy việc xưng hô này không ảnh hưởng đến việc học tập ngược lại còn tạo cảm giác an toàn, như tất cả chúng ta là một gia đình”, cô giáo Lương Hằng Nga nói.
Giáo viên này cũng cho rằng một nửa thời gian trong ngày trẻ đến trường và chúng ta vẫn hay ví thầy cô chính là cha mẹ thứ hai, trường học cũng chính là ngôi nhà thứ hai, vậy thì việc xưng "cô - con" với học sinh là hết sức bình thường.
Cùng quan điểm, chị Nguyễn Ngọc Hà - đang có con học lớp 2 tại tiểu học Lê Quý Đôn (Hà Nội) cũng cho biết hai con của chị lâu nay đều gọi “con”, xưng “cô” với giáo viên và bản thân chị cũng như các con đều thấy việc xưng hô như thế tạo cảm giác gần gũi, yêu thương và điều quan trọng hơn cả là các con đều thích đi học và đều yêu quý thầy cô còn việc xưng hô thế nào thuận tiện là được.
“Việc học sinh gọi “cô” và xưng là “con” tôi không cho đó là sự thiếu tôn trọng hay "cướp" công sinh thành với bố mẹ của học sinh miễn làm sao giáo viên và học sinh thể hiện sự gắn bó, gần gũi và việc học có hiệu quả là được”, phụ huynh Ngọc Hà nói.
Hoàng Thanh