Tranh cãi chuyện lạm thu 'đội lốt' Ban đại diện cha mẹ học sinh vào đầu năm học
Có nên xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh hay không?
Mới đây, mạng xã hội xôn xao chia sẻ bản dự trù kinh phí hoạt động hội phụ huynh tại một trường tiểu học ở TP.HCM, phần chi "chăm cô" được kê lên tới 27 triệu đồng/năm đối với giáo viên chủ nhiệm và bảo mẫu bằng hình thức chuyển khoản hằng tháng, mỗi tháng 3 triệu đồng/người. Ngoài ra còn các khoản tiền cho dịp 20/11, tiền Tết Nguyên đán cho hiệu trưởng, tiền chi cho ngày Phụ nữ Việt Nam, Quốc tế phụ nữ cho giáo viên chủ nhiệm, bảo mẫu… Tổng cộng những khoản dành cho giáo viên là hơn 102 triệu đồng, còn khoảng 30 triệu đồng để chăm lo các hoạt động cho học sinh.
Trường hợp khác ở một lớp 9 của trường THCS tại TP.HCM, bảng dự tính thu chi hỗ trợ hoạt động học tập năm học này lên tới 270 triệu đồng bao gồm các khoản như: tiền bổ sung cơ sở vật chất đầu năm, chụp ảnh thẻ, phong trào báo Đội, phong trào Hội khỏe Phù Đổng, thuê áo tốt nghiệp, quà 8/3 và 20/10 cho học sinh nữ, tổ chức lễ tri ân, tốt nghiệp...
Thực tế nhiều năm trở lại đây, các khoản thu đầu năm học luôn là vấn đề nóng, gây tranh cãi. Vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS) cũng từng được nhắc đến nhiều. Nhiều người cho rằng đa số các khoản thu vô lý đều là BĐDCMHS tự "vẽ" ra. Vì vậy, có nên xóa bỏ BĐDCMHS hay không?
Chị Nguyễn Bích Thủy (Hà Nội) cho rằng nên giải tán BĐDCMHS vì ban này hoạt động không hiệu quả. Thay vào đó, nên xây dựng cơ chế khác để phụ huynh và nhà trường tương tác với nhau dễ dàng, hiệu quả hơn.
"BĐDCMHS được từng lớp, từng trường tiến cử với chức năng chính là phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục. Thế nhưng dường như việc phối hợp thực hiện các hoạt động giáo dục của hội phụ huynh và nhà trường thường lại không được chú trọng. Trong khi đó, họ lại rất sốt sắng với các khoản thu chi. Nếu không có sự cho phép của nhà trường, không bao giờ họ dám làm như vậy", chị Thủy nói.
Trong khi đó, chị Trần Thị Trà (TP.HCM) lại cho rằng, không thể chỉ vì một vài trường hợp cá biệt mà đánh đồng tất cả. "Vẫn có những nơi, BĐDCMHS phát huy rất tốt vai trò của mình, chăm lo, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của các con. Phải nhìn nhận khách quan, nếu nơi nào làm sai thì phải lên án, rút kinh nghiệm. Nơi nào làm tốt, cũng phải ghi nhận”, chị Trà nêu ý kiến.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng, vai trò và trách nhiệm của BĐDCMHS đã được nêu rất rõ tại Luật Giáo dục. Theo đó, việc tồn tại BĐDCMHS là phải có.
"Chúng ta phải thực hiện nguyên lý giáo dục là phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, trách nhiệm giáo dục con cái của cha mẹ là rất quan trọng. Bên cạnh việc giáo dục tại nhà, cha mẹ phải có trách nhiệm phối hợp với nhà trường và tham gia hoạt động của BĐDCMHS. Do đó, không thể vì một vài trường hợp làm trái quy định mà nói cần bỏ hội cha mẹ học sinh", ông Thành cho biết.
Về vấn đề lạm thu, thu những khoản "không tên", ông Thành khẳng định, Bộ GD&ĐT đã quy định rất rõ trong Thông tư 55 để tránh tình trạng này. Cụ thể, tại điều 10 trong Thông tư ghi rõ: Kinh phí hoạt động của BĐDCMHS lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho BĐDCMHS lớp.
Ngoài ra, tại khoản 4 điều này cũng quy định BĐDCMHS không được thu các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện, không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của BĐDCMHS.
Nhà trường không được lợi dụng ban đại diện cha mẹ học sinh
Trước vấn đề lạm thu trên, nhiều địa phương đã ra văn bản nhằm nghiêm cấm các hành vi nhà trường lợi dụng BĐDCMHS để thu tiền.
Sở GD&ĐT Nam Định đưa ra văn bản nghiêm cấm trường học lợi dụng BĐDCMHS dưới hình thức "tự nguyện", thu tiền từ phụ huynh để mua sắm máy móc, trang thiết bị, quà tặng nhà trường và thầy cô giáo. Các cơ sở giáo dục cũng không được thu nhiều khoản vào cùng một thời điểm. Nhà trường phải thu học phí và các khoản dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục theo tháng (trừ khi cha mẹ học sinh tự nguyện nộp theo học kỳ).
Sở GD&ĐT Nam Định nhấn mạnh cơ sở giáo dục nào thu không đúng quy định sẽ phải trả lại và thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và các cấp quản lý.
Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cũng đề nghị các đơn vị trường học trực thuộc tuyệt đối không tự đặt ra hoặc để giáo viên, BĐDCMHS gợi ý và ép buộc phụ huynh đóng góp các khoản thu trái quy định.
Sở GD&ĐT Bình Phước thì nghiêm cấm trường học lợi dụng danh nghĩa BĐDCMHS để thu các khoản ngoài quy định. BĐDCMHS trên địa bàn tỉnh cần căn cứ các nội dung quy định tại Thông tư 55, thống nhất với ban giám hiệu nhà trường và chỉ được thu để chi các nội dung phục vụ trực tiếp cho hoạt động của BĐDCMHS.
Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra văn bản nhằm chấn chỉnh công tác quản lý thu chi đầu năm học 2022 - 2023 trên địa bàn thành phố.
Sở yêu cầu các đơn vị phải thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản tất cả khoản thu đến phụ huynh, học sinh, sinh viên. Trong đó, nêu rõ nội dung các khoản thu theo quy định, khoản thu theo thỏa thuận và khoản thu hộ - chi hộ. Đồng thời, các trường phải giãn thời gian thực hiện các khoản thu, không tổ chức thu gộp nhiều khoản trong cùng một thời điểm.
Đối với kinh phí hoạt động của BĐDCMHS, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh nghiêm cấm các đơn vị lợi dụng danh nghĩa ban này để thu các khoản thu ngoài quy định.
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu việc thu, chi kinh phí của BĐDCMHS phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể BĐDCMHS trường.
Hoàng Thanh