'Trắng' bác sĩ thể thao, có nơi lấy cả cán bộ từ hội đông y sang phục vụ
Bên cạnh các môn thi đấu thể thao thành tích cao phát triển vượt bậc, phong trào tập luyện thể dục thể thao của người dân ngày một nâng lên.
Nhiều giải chạy marathon quy tụ hàng ngàn người tham gia, nhiều bộ môn thể dục thể thao quần chúng như bóng đá, cầu lông, bóng rổ, bóng bàn… cũng ngày càng thu hút đông đảo người dân.
Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Trung Kiên, nguyên Phó hiệu trưởng trường ĐH Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội đánh giá, hiện nay nhiều nơi 'trắng' bác sĩ thể thao. Ông cho rằng cần có chiến lược đào tạo để “lấp đầy” khoảng “trống” này.
Chung nỗi trăn trở, PGS. TS. Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, nhiệm vụ y học thể thao đã được các thế hệ thầy thuốc áp dụng trong nâng cao thể lực, hồi phục thể lực điều trị chấn thương khi tham gia thi đấu, tập luyện thể dục thể thao.
Thực tế y học thể thao hiện đại đã thâm nhập vào Việt Nam hơn 40 năm qua và khẳng định vai trò đóng góp trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân và nâng cao thành tích VĐV trên các đấu trường khu vực và quốc tế.
“Nhưng hệ thống y học thể thao cho đến nay vẫn chưa được xây dựng bài bản, hệ thống chưa được hòa nhập vào mạng lưới đào tạo, khám chữa bệnh của Bộ y tế và cũng chưa hòa nhập sâu vào hệ thống y học thể thao khu vực và quốc tế.
Nguyên nhân chính là do hiện nay, toàn quốc chưa có mã ngành và hệ thống đào tạo y, bác sỹ điều dưỡng, kỹ thuật viên về y học thể thao.
Hệ quả là, cho đến nay đội ngũ chuyên gia về y học thể thao ngày càng khan hiếm, số còn lại đang phục vụ thì hầu như không được đào tạo cơ bản”, PGS. TS Võ Tường Kha thông tin.
Dẫn chứng điều này ông Kha cho biết, từ năm 2004- 2007, Viện khoa học TDTT kết hợp với Học viện Quân y 103 chỉ đào tạo được 2 lớp chuyên khoa một về y học thể thao cho chưa đến 20 học viên từ các bác sỹ tốt nghiệp các chuyên ngành khác nhau. Số nhân lực ít ỏi này, đến nay cũng chỉ còn vài bác sỹ làm việc.
“Bên cạnh đó, đến thời điểm hiện tại cũng chỉ còn dưới 20 bác sỹ y học thể thao được đào tạo có bằng cấp từ cấp đại học trở lên.
Do đó, số đang phục vụ chăm sóc sức khỏe khám chữa bệnh cho VĐV và người tập luyện TDTT tại các Trung tâm HLTTQG và tại các câu lạc bộ nghiệp dư là từ các nguồn: y sinh cử nhân YHTT (được đào tạo từ các trường Đại học TDTT, Đại học Sư phạm TDTT); từ bệnh viện TTVN (có chứng chỉ hành nghề); các chuyên ngành y khoa khác từ các trường Trung cấp Cao đẳng, Đại học y.
Thậm chí nhân lực này còn lấy cả từ bệnh viện Y học cổ truyền các cấp, bệnh viện Châm cứu Trung ương hoặc hội Đông y các cấp…”, GS. TS Võ Tường Kha ái ngại cho hay.
Giám đốc Bệnh viện thể thao Việt Nam cho rằng, để giải quyết bài toán nguồn lực cán bộ phục vụ y học thể thao, cần phải có chiến lược, kế hoạch lâu dài với hệ thống đồng bộ để xây dựng, hoàn thiện thiết chế quản lý đào tạo, sử dụng cán bộ y tế thể thao.
“Theo đó, tôi cho rằng cần thiết phải thành lập và đào tạo đủ mã ngành đào tạo y sinh y học thể dục thể thao về y học vận động, y học thể thao cho khám chữa bệnh…
Đặc biệt phải giải được bài toán: Tiêu chuẩn đối tượng đầu vào ra sao? Chương trình đào tạo như thế nào? Địa chỉ đầu ra của đào tạo? Điều kiện để hành nghề như thế nào? Cơ chế làm việc và chế độ lương đãi ngộ hưu trí ra sao? …
Chúng ta phải giải quyết thỏa đáng cho các vấn đề này thì sự nghiệp đào tạo đội ngũ cán bộ y tế thể thao mới đủ lớn đủ trình độ đủ tâm huyết phục vụ cho chăm sóc sức khỏe giáo dục thể chất cho nhân dân và cùng hỗ trợ với các lực lượng khác góp phần nâng cao thành tích thi đấu, tập luyện TDTT cho VĐV ở các giải đấu trong nước và quốc tế”, PGS. TS Võ Tường Kha cho hay.
N. Huyền