TQ lên tiếng nguyên nhân từ chối nói chuyện, Mỹ có kế hoạch đối phó mới
Trung Quốc lên tiếng sau cáo buộc từ chối đối thoại quân sự, trong khi Mỹ tung ra bản đề xuất ngân sách mới nhằm tăng cường toàn diện sức mạnh quân đội.
Hôm 27/5, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh Mỹ nên thể hiện “sự chân thành” trong việc cải thiện liên lạc giữa quân đội hai nước, sau khi một số báo cáo cho hay Washington cố gắng đối thoại nhưng bị Bắc Kinh từ chối.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cảnh báo rằng, chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ “đang đẩy khu vực vào con đường nguy hiểm”, khi mà Mỹ tăng cường hoạt động trinh sát nhằm vào Trung Quốc, cũng như việc tàu chiến hai nước đối mặt ở khoảng cách gần thời gian gần đây.
Dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ tăng cường hoạt động trinh sát gần Trung Quốc. (Ảnh: EPA-EFE) |
Mỹ - Trung rơi vào vòng xoáy căng thẳng liên quan tới hàng loạt vấn đề như thương chiến, nhân quyền, cho tới hoạt động quân sự ở eo biển Đài Loan và Biển Đông. Nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự Mỹ - Trung cũng ngày càng gia tăng.
Giới chức quốc phòng Mỹ cho biết, mối quan hệ quân sự Mỹ - Trung hiện căng thẳng và họ đang tìm cách khai thông các đường dây liên lạc với những người đồng cấp Trung Quốc để xóa bỏ một cuộc khủng hoảng tiềm tàng. Thậm chí, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin được cho gần đây đã cố gắng vài lần nối máy với Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc là ông Hứa Kỳ Lượng nhưng bị từ chối.
Nguyên nhân là do Trung Quốc cho rằng phía Mỹ đã không tuân thủ nghi thức ngoại giao bởi người đồng cấp với ông Austin là Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa chứ không phải là ông Hứa. Ông Ngụy là người đứng vị trí thứ hai trong Quân ủy trung ương chỉ sau Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Financial Times dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, chính Bắc Kinh đã 3 lần từ chối lời đề nghị được nói chuyện với ông Hứa qua điện thoại từ ông Austin.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu hôm 25/5 khẳng định, Bắc Kinh từng có hành động tiếp cận ông Austin ngay khi ông này được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và cũng đề xuất tiến hành cuộc trao đổi giữa ông Austin và ông Ngụy.
Tới ngày 27/5, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Tan Kefei tuyên bố quân đội Mỹ - Trung vẫn đang tiến hành đối thoại.
“Từ lâu, quân đội Mỹ - Trung vẫn duy trì liên lạc thông qua các kênh bao gồm đường dây đối thoại trực tiếp giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước”, ông Tan nói.
Liên quan tới đề xuất của Mỹ về việc thành lập đường dây nóng giải quyết khủng hoảng, ông Tan cho rằng, “Mỹ không nên nói họ muốn lập đường dây nóng, trong khi vẫn tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á – Thái Bình Dương, cũng như đẩy mạnh trinh sát nhằm vào Trung Quốc và còn cố tình tạo ra các vụ chạm trán gần giữa tàu chiến hai nước”.
“Chúng tôi hối thúc Mỹ nói đi đôi với làm, thể hiện thành ý và thỏa hiệp với phía Trung Quốc để tăng cường đối thoại và liên lạc để từ đó giải quyết bất đồng một cách hợp lý”, ông Tan nói thêm.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng cáo buộc các hoạt động trinh sát tăng cường của Mỹ ở gần bờ biển Trung Quốc là nguyên nhân dẫn tới sự cố hồi đầu tháng tư. Theo đó, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin của hải quân Mỹ đã bị phía Trung Quốc phát cảnh báo xua đuổi, sau khi chiến hạm Mỹ tiến hành “trinh sát tầm gần” đối với nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của hải quân Trung Quốc.
Ông Tan cũng nhắc lại lời cáo buộc của Tướng John W. “Jay” Raymond, Tư lệnh Lực lượng Vũ trụ Mỹ, đưa ra trong cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng này với tờ Washington Post. Ông Tan phủ nhận tuyên bố của Tướng Raymond về việc Nga và Trung Quốc đang phát triển “các loại vũ khí có thể gây rối loạn hoặc phá hủy dàn vệ tinh của Mỹ từ dưới mặt đất hoặc trong không gian hoặc bằng hình thức tấn công mạng”.
Ông Tan còn cáo buộc chính Mỹ làm xuất hiện cuộc chạy đua vũ trang trong không gian vũ trụ.
“Chính Mỹ xác định không gian vũ trụ là chiến trường, từ đó xây dựng lực lượng vũ trụ độc lập và thường xuyên tiến hành các cuộc diễn tập ở ngoài không gian”, ông Tan nhấn mạnh.
Ông Tan cho rằng, “vũ khí hóa không gian” trở thành mối đe dọa hiện hữu với an ninh toàn cầu và Mỹ là bên phải chịu trách nhiệm chính.
Tăng ngân sách quốc phòng để đối phó với Trung Quốc
Cũng trong ngày 27/5, Reuters đưa tin bản đề xuất ngân sách quốc phòng trị giá 715 tỉ USD của Tổng thống Joe Biden sẽ chuyển hướng từ đầu tư để nâng cấp các hệ thống vũ khí lỗi thời sang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc, cũng như mở rộng năng lực quân sự trong tương lai.
Các nguồn tin chia sẻ với Reuters rằng, bản đề xuất này sẽ được chuyển cho Quốc hội Mỹ phê duyệt vào hôm nay (28/5) bao gồm những khoản chi để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu cho binh sĩ, lực lượng không gian vũ trụ và Sáng kiến Ngăn chặn ở Thái Bình Dương nhằm cạnh tranh với công nghệ vũ khí hạt nhân và sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Mỹ trang bị thêm các chiến đấu cơ tàng hình F-35 để đối phó với Trung Quốc. (Ảnh: Sputnik) |
Bản đề xuất ngân sách quốc phòng năm 2022 của Mỹ có tổng trị giá 753 tỉ USD, tăng 1,7% so với năm 2021.
Trong bối cảnh tìm cách tăng cường năng lực để cạnh tranh với Nga và Trung Quốc, ngân sách quốc phòng của Mỹ được cho sẽ phân bổ vào chương trình phát triển và thử nghiệm các tên lửa siêu thanh và những hệ thống vũ khí “thế hệ mới”. Cụ thể, chính quyền của Tổng thống Biden được cho đề xuất mua 85 chiến đấu cơ tàng hình F-35 từ Tập đoàn Lockheed Martin. Trong khi đó, đối với kế hoạch đóng tàu chiến, Tổng thống Biden chỉ đề xuất 8 tàu chiến đấu mặt nước mới.
Do giảm bớt số lượng các hệ thống vũ khí đã lỗi thời, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ tiếp tục hiện đại hóa bộ ba hạt nhân, một dự án đắt đỏ mà Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ từng ước tính có giá trung bình lên tới hơn 60 tỉ USD/năm trong vòng 10 năm tới.
Số tiền này sẽ được sử dụng để nâng cấp các hệ thống chỉ huy, kiểm soát và triển khai hạt nhân như các tàu ngầm hạt nhân lớp Columbia của Tập đoàn General Dynamics và Huntington Ingalls Industries, cũng như cấp phép để các chiến đấu cơ tàng hình F-35 mang theo bom hạt nhân.
Điều đáng nói, so những năm trước, số lượng các chuyến bay trinh sát của Mỹ dọc những đường biên giới Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng. Theo đó, dưới thời Tổng thống Biden, tính tới tháng Hai năm nay, các máy bay trinh sát Mỹ đã thực hiện số lượng kỷ lục là 75 sứ mệnh gần Trung Quốc.
Nhiều quan chức hàng đầu trong chính phủ Mỹ bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken từng nhận định, mối quan hệ với Trung Quốc chính là phép thử địa chính trị quy mô lớn nhất đối với Mỹ trong thế kỷ 21. Để đối phó với Trung Quốc, Mỹ đã cho thay đổi chính sách là nối lại quan hệ thân thiết với các đồng minh. Mỹ cũng cho rằng, Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể “thách thức nghiêm trọng” hệ thống toàn cầu.
Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông
Trung Quốc huy động các tiêm kích bom JH-7 tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông chỉ sau vài ngày chiến hạm Mỹ xuất hiện ở vùng biển chiến lược.
Minh Thu (lược dịch)