TPHCM: Xuất hiện nhiều ca nhiễm khuẩn thương hàn
Vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn |
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, chỉ trong 2-3 tuần, bệnh viện tiếp nhận liên tiếp 3 trường hợp trẻ em bị thương hàn.
Các bé nhập viện trong tình trạng sốt kéo dài và điều trị khá phức tạp, phải dùng kháng sinh mạnh từ 10 - 14 ngày.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận có 3 trường hợp mắc bệnh thương hàn. Năm 2016, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM ghi nhận 43 trường hợp mắc và đây là bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch.
Thương hàn là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra. Vi khuẩn này có thể tồn tại trong môi trường nước 2-3 tuần, trong phân và trong nước đá 2-3 tháng. Người bị mắc bệnh này do ăn phải thức ăn và uống nước bị nhiễm khuẩn mà không được nấu chín hoặc do tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, người mang vi khuẩn qua chất thải, chân, tay, đồ dùng bị nhiễm khuẩn.
Người nhiễm bệnh thường có biểu hiện sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, táo bón hoặc tiêu chảy, đôi khi đi ngoài ra máu, có những nốt hồng ban trên thân, bệnh nặng có thể mê sảng, ảo giác và tử vong nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Bệnh này rất dễ lây và có thể rất nghiêm trọng. Bác sĩ Khanh khuyến cáo phòng ngừa bệnh thương hàn bằng cách ăn uống vệ sinh, tiêm vắc xin phòng ngừa (trẻ từ 3 tuổi trở lên).
Tuy nhiên, vắc xin chỉ bảo vệ được khoảng 90% và có liệu lực trong vòng 3 năm, sau đó phải tiêm lại.