TP.HCM thí điểm cho học sinh lớp 1, 9, 12 đi học trở lại từ 13/12
TP.HCM đã có quyết định chính thức về việc cho học sinh đi học trực tiếp trở lại từ ngày 13/12.
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, chia việc cho học sinh đi học trở lại thành hai giai đoạn. Trong giai đoạn từ ngày 13/12 đến 25/12, thành phố thí điểm tổ chức dạy học trực tiếp với tất cả học sinh lớp 1, 9 và 12. Trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường từ tuần thứ 2.
Riêng ở huyện Cần Giờ, trường Mầm non Thạnh An, Tiểu học Thạnh An, THCS-THPT Thạnh An, học sinh tất cả khối lớp học trực tiếp từ ngày 13/12.
Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 27/12. Trong đó, ngành giáo dục tổ chức hội nghị sơ kết, rút kinh nghiệm 2 tuần dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.
Ảnh minh họa |
Căn cứ kết quả tổ chức dạy và học sau 2 tuần và tình hình dịch Covid-19, Sở GD&ĐT phối hợp sở Y tế tham mưu UBND thành phố xem xét và quyết định việc tiếp tục, mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn thành phố từ ngày 3/1/2022.
Như vậy, thành phố sẽ tổ chức dạy học trực tiếp học sinh ở một số khối lớp để cơ sở giáo dục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động giáo dục và đào tạo. Sau đó, thành phố tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi tổ chức dạy học trực tiếp đại trà.
TP.HCM ưu tiên các cơ sở giáo dục đáp ứng được các điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực, có kế hoạch cho học sinh đi học trực tiếp hoàn chỉnh.
UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện ban hành kế hoạch, quyết định việc tổ chức dạy học trực tiếp, chuyển trạng thái hoạt động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Trong đó, cơ sở giáo dục có cấp THPT hoạt động theo cấp độ dịch của TP.HCM. Các cơ sở giáo dục còn lại hoạt động theo cấp độ dịch của thành phố Thủ Đức hoặc quận, huyện nơi trường trú đóng.
Cơ sở giáo dục chuyển trạng thái tổ chức dạy học theo cấp độ dịch do UBND TP.HCM công bố vào sáng thứ hai hàng tuần theo quy định.
Các trường phải được đánh giá công tác an toàn trường học theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục trước khi tổ chức dạy học trực tiếp và được kiểm tra thường xuyên trong quá trình dạy học trực tiếp.
Người tham gia dạy và học trực tiếp là các cá nhân không thuộc diện phải cách ly y tế để phòng chống dịch. Học sinh, giáo viên đến từ vùng đỏ thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của y tế.
Để chuẩn bị cho việc chuyển sang dạy học trực tiếp, các trường tổ chức họp phụ huynh, triển khai các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường chăm sóc, tổ chức cho học sinh học trực tiếp tại trường trước ngày 5/12.
Ngày 8/12, trường tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới và tổ chức sinh hoạt, hướng dẫn công tác an toàn cho học sinh khi trở lại trường vào ngày 10/12.
Ngoài ra, các trường xây dựng và hoàn chỉnh kế hoạch, phuơng án phòng, chống dịch khi tổ chức dạy học trực tiếp trở lại trước ngày 3/12 để Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Thủ Đức và các quận, huyện kiểm tra, thẩm định.
Dự kiến, Hà Nội sẽ đón học sinh THPT trở lại trường học với những địa phương có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2, không có các ca F0 trong cộng đồng. Việc được quay trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến là niềm mong đợi của rất nhiều học sinh trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều trường THPT Hà Nội lo ngại không đủ điều kiện an toàn cho học sinh quay lại trường
Thầy Hoàng Đình Xuân - Hiệu trưởng THPT Nguyễn Trãi (H. Thường Tín, Hà Nội) thì cho biết hơn 96% học sinh của trường này đã được tiêm vắc xin mũi 1 và hiện còn 2 giáo viên chưa tiêm đủ vắc xin mũi 2.
“Hiện trường cũng đang chờ hướng dẫn liên ngành của Sở giáo dục và Sở Y tế để xây dựng các kịch bản đón học sinh quay lại trường cũng như tuyên truyền cho học sinh về việc quay lại trường cần thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K.
Về việc cho học sinh quay lại trường, đảm bảo giãn cách mà chia đôi lớp học thì sẽ khá khó khăn cho các trường về số lượng phòng học cũng như đội ngũ giáo viên để đáp ứng việc dạy học trên lớp vì nhiều trường không đủ số phòng học và hiện cũng thiếu nhân.
“Hơn nữa, nay số ca F0 tại Hà Nội tăng lên nhanh chóng nên số ca F1, F2 cách ly tại khu cách ly hoặc ngay cả cách ly tại nhà thì việc tổ chức dạy học cho những học sinh này cũng rất khó khăn, bố trí thời khóa biểu cho học sinh cũng khó khăn”, thầy Xuân nói.
Ông Hoàng Đức Thuận, Hiệu trưởng Trường THPT Khương Đình, quận Thanh Xuân, cho biết, đối chiếu 16 tiêu chí trường học an toàn, trường đã đủ điều kiện để mở cửa trở lại. Nhưng trên địa bàn vừa xuất hiện 2 trường hợp F0 trong cộng đồng nên tính đến đầu tháng 12 trường vẫn chưa đủ điều kiện được hoạt động.
Do đó, đơn vị vẫn chờ hướng dẫn cụ thể của Sở GD&ĐT cũng như ngành Y tế. Về phương án dạy học, ông Thuận nói rằng, sau một thời gian dài dạy học trực tuyến, trường sẽ xây dựng phương án dạy song song hai phương án trực tuyến và trực tiếp.
Hoàng Thanh