TP.HCM: Loạt chỉ đạo mới với thị trường bất động sản
UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo về việc triển khai kế hoạch thực hiện chính sách nhà ở và thị trường bất động sản năm 2021.
Theo đó, Thành phố yêu cầu Sở Xây dựng theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường BĐS và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá bất động sản trên địa bàn; đánh giá, điều chỉnh bổ sung chương trình kế hoạch phát triển nhà ở đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
UBND TP.HCM vừa có loạt chỉ đạo mới nhằm ổn định thị trường BĐS.
Ổn định thị trường bất động sản
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm kịp thời các hành vi vi phạm trong việc thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh BĐS. Trong đó, tập trung kiểm tra, rà soát, công khai danh sách các dự án chậm tiến độ do vướng mắc về pháp lý, có vi phạm về xây dựng, các dự án không thực hiện bảo lãnh, chưa nghiệm thu chất lượng công trình.
Đánh giá, điều chỉnh bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm trong việc thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh BĐS.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cần tập trung triển khai các chương trình nhà ở xã hội (nhà ở người có công với cách mạng; nhà ở người thu nhập thấp khu vực đô thị; nhà ở công nhân khu công nghiệp…) trên địa bàn Thành phố.
Tiến hành kiểm tra, rà soát, báo cáo tình hình triển khai thực hiện các dự án nhà ở sinh viên đầu tư từ ngân sách nhà nước. Trường hợp các dự án nhà ở sinh viên khai thác không hiệu quả, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND Thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi công năng thành nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, hướng dẫn UBND TP Thủ Đức, UBND quận, huyện tổ chức lập, phê duyệt, công bố kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn theo đúng quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm kịp thời các vi phạm trong thực hiện các quy định về quản lý sử dụng đất trên địa bàn. Trong đó, tập trung kiểm tra, rà soát, công khai danh sách các dự án nhà ở chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng, các dự án chậm tiến độ do vướng mắc về pháp lý, có vi phạm về quản lý sử dụng đất, chưa nộp tiền sử dụng đất, chậm trễ trong việc thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà.
Giao UBND TP Thủ Đức và UBND các quận, huyện theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá bất động sản trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Nghịch lý giao dịch giảm nhưng giá tăng
Loạt chỉ đạo trên của UBND TP.HCM được đưa ra trong bối cảnh thị trường BĐS có nhiều biến động, trong đó nghịch lý giao dịch giảm nhưng giá vẫn tăng, bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Giá căn hộ tại thị trường TP.HCM dự báo sẽ tăng từ 5-10% trong nửa cuối năm 2021.
Cụ thể, theo số liệu báo cáo về thị trường BĐS cả nước quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021 của Hội môi giới BĐS Việt Nam. Riêng tại TP.HCM, quý 2/2021 ghi nhận 4.028 sản phẩm BĐS chào bán. Trong đó, phân khúc căn hộ chung cư chiếm tỷ trọng lớn, với 3.844 sản phẩm. Tuy nhiên, tổng sản phẩm giao dịch trên thị trường rất thấp, chỉ đạt 963 sản phẩm (856 căn hộ chung cư và 110 nhà thấp tầng).
Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, so với tổng nguồn cung trong quý 2/2021, tỷ lệ hấp thụ sản phẩm BĐS trên cả nước chỉ đạt 23,9%. Lượng hàng tồn kho rất lớn, nguyên nhân do từ đầu năm 2020 đến nay, lượng giao dịch trên thị trường giảm mạnh.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng lớn đến thị trường chung. Số lượng giao dịch giảm nhưng tổng nguồn tiền đổ vào thị trường lại có dấu hiệu tăng mạnh. Dòng tiền của nhà đầu tư đổ vào thị trường BĐS để tìm kiếm cơ hội đầu tư, găm giữ tài sản đã tạo áp lực tăng giá bán, đơn cử như "cơn sốt" đất trong tháng 2 và tháng 3 đầu năm nay.
Báo cáo thị trường Bất động sản Nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận quý 2/2021 của Công ty CP DKRA Việt Nam (DKRA Vietnam) mới đây cũng cho thấy, trong quý 2/2021, nguồn cung sản phẩm mới tại TP.HCM và 4 tỉnh giáp ranh giảm lần lượt 28% về nguồn cung và 26% lượng tiêu thụ so với quý trước.
Phân tích về giá bán căn hộ, đại diện DKRA Vietnam cho rằng, trong quý 2/2021, giá sơ cấp các chủ đầu tư đưa ra tăng phổ biến từ 3 - 5% so với đợt mở bán quý trước, chủ yếu ở những dự án chuẩn bị bàn giao, hình thành khu đô thị hiện hữu với hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ.
DKRA Vietnam nhận định, thị trường căn hộ có thể sẽ tăng giá khoảng 5 - 10% trong nửa cuối năm vì một số lý do như: Nguồn cung mới chưa có dấu hiệu dồi dào hơn; Giá thép và vật liệu xây dựng tăng, tác động đến chi phí của chủ đầu tư; Lạm phát có dấu hiệu tăng so với quý trước và năm 2020; Những dự án sẽ ra đời vào nửa cuối năm thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang, có vị trí đẹp. Đồng thời, khi dịch bệnh được khống chế, các hoạt động kinh tế sôi động trở lại, tâm lý tích cực hơn, dòng tiền đổ vào đầu tư kinh doanh nhiều hơn.
So sánh giá chung cư ở 2 TP lớn, giá chung cư TP.HCM luôn cao hơn ở Hà Nội vì nguyên nhân này
Ở Hà Nội, nếu phân khúc chung cư cao cấp có giá 45-50 triệu đồng/m2 thì mức giá này chỉ thuộc phân khúc trung cấp ở TP.HCM. Mặt bằng giá chung cư tại TP.HCM cao hơn tại thị trường Hà Nội ở tất cả các phân khúc. Vì sao vậy?
Theo diendandoanhnghiep.vn