TPHCM: Hơn 53% học sinh không có động lực học tập
Ảnh minh họa |
Khảo sát do Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GDĐT TP.HCM thực hiện tại 150 cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, gồm 74 trường THPT, 34 trường THCS, 8 trường tiểu học và 34 cơ sở giáo dục khác (gồm mầm non, trường tư thục, trung cấp, cao đẳng...)
Dữ liệu từ cuộc khảo sát cho thấy có 7,8% học sinh bỏ học, 21,1% học sinh có nguy cơ bỏ học. Đáng chú ý là có đến 31% học sinh bị căng thẳng, stress và 53,8% học sinh không có động lực học tập.
Về thống kê các hành vi lệch chuẩn, chiếm đa số trong các hành vi lệch chuẩn là tình trạng học sinh nghiện game và internet (41,5%), kế đến là vi phạm nội quy trường học (40,2%).
Đáng chú ý, có đến 6,5% học sinh sử dụng chất gây nghiện, 5,7% học sinh vi phạm pháp luật, 2,8% học sinh từng phá thai, 0,8% học sinh từng có hành vi hủy hoại bản thân.
Đối với vấn đề nguy cơ bạo lực học đường và xâm hại, khảo sát chỉ ra có đến 30% học sinh từng bị xâm hại trên môi trường mạng (đăng hình, thách thức, bêu xấu, hù dọa... thông qua mạng xã hội), 24,6% học sinh bị bắt nạt, hiếp đáp, 20,8% học sinh bị xâm hại tinh thần (chửi rủa, xúc phạm, bêu xấu...).
Một số nguyên nhân của các vấn đề trên cũng được chỉ ra như môi trường học tập, môi trường xã hội, gia đình, thiếu các dịch vụ, hoạt động hỗ trợ từ nhà trường và xuất phát cả từ chính bản thân học sinh.
Theo ông Trần Nguyên Thục - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GDĐT TPHCM), tỉ lệ học sinh gặp các vấn đề rắc rối về tâm lý, học tập, quan hệ xã hội ngày càng nhiều. Tuy nhiên, nhân viên công tác xã hội là người giúp học sinh giải quyết các vấn đề này lại đang thiếu về số lượng lẫn chuyên môn.
Thực tế hiện nay nhiều trường không có người làm công tác xã hội, tư vấn học đường cho học sinh. Một số trường đã hình thành trung tâm tư vấn tâm lý, tư vấn học đường nhưng chức năng hoạt động lại không đúng chuyên ngành công tác xã hội.
Hầu hết đội ngũ chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu, đặc biệt công tác xã hội trong học đường... nên khả năng trợ giúp, tư vấn cho học sinh còn nhiều hạn chế.