TP.HCM đưa ra chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ như thế nào?
Nhằm hạn chế số ca tử vong do Covid-19, TP.HCM vừa đưa ra chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ. Theo đó, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tăng cường mọi nguồn lực bảo vệ nhóm nguy cơ.
Sở Y tế TP.HCM đã đưa ra các giải pháp tăng cường ngăn ngừa người thuộc nhóm nguy cơ không bị lây nhiễm COVID-19, triển khai các giải pháp giúp phát hiện sớm người thuộc nhóm nguy cơ bị nhiễm COVID-19 để kịp thời điều trị đặc hiệu với thuốc kháng vi rút và theo dõi sức khỏe nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong là những vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Đối với các trường hợp F0, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính, Trạm y tế, Trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng cấp phát ngay thuốc kháng vi rút (gói thuốc C) và gói thuốc A, B cho người F0.
Thuốc C sử dụng ngay khi được cấp phát, thuốc B (thuốc kháng viêm, kháng đông dạng uống) chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, kể cả chỉ định của bác sĩ tư vấn qua mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”. Sở Y tế chịu trách nhiệm ưu tiên phân bổ nguồn thuốc kháng vi rút cho F0 thuộc nhóm nguy cơ.
Việc xem xét cho người F0 thuộc nhóm nguy cơ được cách ly điều trị tại nhà hay tại bệnh viện phải đảm bảo hài hòa giữa các yếu tố: tình trạng bệnh, điều kiện chăm sóc và cách ly tại nhà, nguyện vọng của người bệnh và gia đình.
Cán bộ y tế kiểm tra công tác điều trị cho F0 tại nhà. |
Công tác chăm sóc và theo dõi sức khỏe cho người thuộc nhóm nguy cơ, theo đó, Trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức chuyển danh sách người thuộc nhóm nguy cơ, số điện thoại liên lạc đến mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” để thực hiện tư vấn, thăm hỏi sức khỏe định kỳ, bao gồm chăm sóc cả các bệnh nền.
Trong quá trình tư vấn và thăm hỏi sức khỏe từ xa, nếu phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ chuyển nặng, thông báo ngay đến Trạm y tế, Trạm y tế lưu động, Tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn để kịp thời sơ cấp cứu tại nhà và chuyển viện.
Sở Y tế phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai tổng đài “1022” để tư vấn và hướng dẫn cho người F0 thuộc nhóm nguy cơ khi cần hỗ trợ.
Giai đoạn đầu của chiến dịch bắt đầu từ ngày 07/12/2021 đến ngày 31/12/2021, sau đó tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai trong năm 2022.
Cũng theo Sở Y tế TP HCM, từ tháng 12/2021 đến tháng 6/2022, TP HCM dự kiến cần hơn 6,3 triệu liều vắc xin các loại (Astra-Zeneca, Pfizer, Moderna, Vero Cell, Sputnik V) để tiêm liều bổ sung cho người dân.
Theo kế hoạch trong tháng 12-2021, thành phố sẽ tập trung tiêm cho người bệnh suy giảm miễn dịch đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày và người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng.
Trong năm 2022, thành phố tiếp tục tiêm cho người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng theo thứ tự ưu tiên; người bệnh suy giảm miễn dịch đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày; phấn đấu bảo đảm phủ liều nhắc cho toàn bộ người trên 18 tuổi sống tại TP HCM vào cuối năm 2022.
K.Chi