TP.HCM: 10 chùm ca bệnh sởi, 10 ca tử vong do sốt xuất huyết
Ảnh minh họa |
Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, trong năm 2018 các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã khám cho hơn 45,5 triệu lượt bệnh nhân ngoại trú (tăng 5,8%) và hơn 2,5 triệu lượt điều trị nội trú (tăng 4%) so với năm 2017; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 86,46%; 24 trạm y tế khởi động lộ trình đổi mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, triển khai quản lý các bệnh mạn tính không lây nhiễm trong cộng đồng;
24 trung tâm y tế và 319 trạm y tế quản lý dịch bệnh sốt xuất huyết bằng hệ thống GIS, phối kết hợp hiệu quả giữa Trung tâm y tế dự phòng và các bệnh viện ngăn chặn bùng phát dịch cúm, sởi trong bệnh viện; 28 trạm cấp cứu vệ tinh bao phủ khắp địa bàn thành phố với 14.468 lượt cấp cứu ngoại viện, thử nghiệm thành công loại hình xe cấp cứu 2 bánh...
Tổng số ca sởi được báo cáo từ đầu năm đến nay là 1.552 trường hợp, xuất hiện ở 24/24 quận huyện. Tính đến tuần 52 đã ghi nhận 10 chùm ca bệnh sởi, hiện có 4 chùm ca còn đang trong thời gian theo dõi tại xã Vĩnh Lộc B (Bình Chánh), phường Tân Thới Nhất (quận 12), phường Hiệp Thành (quận 12) và phường Tân Thuận Đông (quận 7).
Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2018 đến nay (bao gồm cả nội trú và ngoại trú) là 44.796 ca, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2017, số ca tử vong từ năm 2018 đến nay là 10 ca. Trong năm 2018 đã có 254 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong phòng chống sốt xuất huyết, đầy mạnh hoạt động truyền thông nguy cơ, thay đổi hành vi
Bên cạnh đó, trong năm 2018 ngành y tế thành phố đã xây dựng, cải tạo nâng cấp và đi vào hoạt động 16 bệnh viện và 6 trung tâm y tế phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, năm 2018 cũng là năm đánh dấu nhiều dự án trọng điểm của ngành y tế T.PHCM còn chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra như: Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cơ sở 2, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cơ sở 2. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do vấn đề đền bù và giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, thủ tục phê duyệt đầu tư các dự án nhóm A của Chính phủ còn chậm như: Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Củ Chi, chưa đưa Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 vào hoạt động trong tháng 12/2018 như dự kiến,...
Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, dự kiến trong năm 2019, ngành y tế thành phố sẽ nỗ lực hơn nữa hướng đến chăm sóc sức khỏe người dân được tốt hơn với 6 nhóm hoạt động trọng tâm, cụ thể như: Triển khai hiệu quả công tác phòng chống các bệnh không lây nhiễm và bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn;
Nâng cao năng lực trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; không ngừng cải tiến chất lượng phục vụ và phát triển chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện tuyến huyện, kỹ thuật chuyên sâu của bệnh viện tuyến thành phố;
Đa dạng hóa và tăng cường quản lý chất lượng các loại hình cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe người dân trong cộng đồng;
Hoàn thiện cải cách thủ tục hành chính trong cung ứng dịch vụ công, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hướng đến xây dựng y tế thông minh; phát triển loại hình dịch vụ y tế du lịch...