TP.HCM: Nhiều giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học
Ngày 6/12, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi trưởng phòng GD&ĐT TP. Thủ Đức và 21 quận, huyện, hiệu trưởng các trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về việc tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.
Theo đó, Sở GD&ĐT TP.HCM đề nghị các cơ sở trường học thực hiện nghiêm túc quy định của Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP (ngày 12/11/2018) của Bộ Y tế về sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Trong đó, Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trường học chịu trách nhiệm kiểm soát, đảm bảo thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn và cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căng tin trong trường học phải bảo đảm an toàn theo quy định, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tất cả bếp ăn, căng tin trong trường học phải sử dụng nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn, đảm bảo kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm, đạt một trong các chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO22000, chuỗi thực phẩm an toàn hoặc giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm...
Ngoài ra, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm tại đơn vị; tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, cả học sinh và cha mẹ học sinh về đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm.
Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Trường học đảm bảo sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi, có các giải pháp tự kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với các bếp ăn, căng tin trong trường học.
Các trường phải tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học để phòng chống và ngăn chặn các bệnh lây truyền do nguồn nước không bảo đảm; huy động đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên tham gia vệ sinh khuôn viên sân trường, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải xung quanh sân trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học.
Cơ sở giáo dục phải xây dựng kế hoạch triển khai chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 tại đơn vị.
Sở GD&ĐT TP.HCM lưu ý, cơ sở giáo dục không để xảy ra tình trạng cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.
Tới đây, công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành giáo dục - y tế sẽ được tăng cường, huy động sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho học sinh.
Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu tất cả cơ sở giáo dục báo cáo số liệu về công tác an toàn thực phẩm về phòng GD&ĐT chậm nhất ngày 15/12/2022. Phòng GD&ĐT tổng hợp số liệu báo cáo từ các cơ sở giáo dục gửi về Sở GD&ĐT TPHCM trước ngày 20/12/2022.
TP.HCM hiện có hơn 5.000 cơ sở giáo dục. Toàn thành phố có 1.834 bếp ăn tập thể và khoảng 487 trường sử dụng suất ăn công nghiệp. Trong lúc các cơ quan chức năng không đủ lực lượng để giám sát, kiểm tra thường xuyên công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường học, việc tự giám sát của các trường cùng với sự tham gia của phụ huynh học sinh cũng là cách làm mang tính chủ động để đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn của trường.
Đầu năm học 2022 - 2023, Ban An toàn thực phẩm TP.HCM đã tổ chức đợt kiểm tra, giám sát tại các bếp ăn trường học; đồng thời tổ chức tập huấn đến tất cả nhân viên y tế và hiệu trưởng các trường học để tăng cường phòng trừ các rủi ro.
Sắp tới, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ có các đợt giám sát tại các trường học công lập và tư thục có đông học sinh bán trú. Thay vì đợi các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng, việc các trường tự giám sát tại chỗ, cùng với sự tham gia của ban phụ huynh sẽ góp phần quan trọng giảm thiểu rủi ro an toàn thực phẩm ở trường.
Mai Anh