Tổng thống Putin ký sắc lệnh về sửa đổi Hiến pháp Nga
Hôm 3/7, RIA trích thông báo của cơ quan báo chí Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh sửa đổi Hiến pháp sau khi nhận được trên 50% số cử tri ủng hộ.
Trước đó, trong thông điệp Liên bang hồi tháng 1/2020, Tổng thống Putin đã đề xuất những thay đổi quan trọng đối với Hiến pháp, bao gồm việc giới hạn số nhiệm kỳ tổng thống mà một người có thể giữ là 2 và mở rộng vai trò của cơ quan lập pháp.
Hôm 11/3, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã phê chuẩn một đạo luật sửa đổi Hiến pháp. Theo đó, với 383 phiếu ủng hộ trong tổng số 450 ghế tại Hạ viện Nga, những sửa đổi hiến pháp nêu trên đã được thông qua tại phiên đọc thứ 3 và cuối cùng của cơ quan lập pháp này. Không nghị sĩ nào bỏ phiếu chống, 43 nghị sĩ bỏ phiếu trắng, trong khi 24 nghị sĩ khác vắng mặt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: RIA) |
Hôm 14/3, Tổng thống Putin đã ký luật về sửa đổi Hiến pháp. Hiến pháp sửa đổi đã được phê duyệt bởi Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện), cũng như Hội đồng lập pháp ở tất cả 85 khu vực của Nga. Đồng thời, ông Putin nhấn mạnh rằng, những thay đổi sẽ chỉ có hiệu lực nếu được ủng hộ bằng kết quả một cuộc bỏ phiếu toàn quốc.
Cuộc bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp Nga đã kết thúc trên toàn bộ lãnh thổ nước này lúc 21 giờ đêm ngày 1/7 (giờ địa phương).
Theo Ủy ban Bầu cử Trung ương (CEC) hôm 2/7, sau khi 100% số phiếu được kiểm, có 77,92% (gần 58 triệu người Nga) cử tri ủng hộ với các thay đổi của Hiến pháp trong khi tỷ lệ phản đối là 21,27% (khoảng 16 triệu người), với tỷ lệ cử tri có mặt tại các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc là 67,97%.
Cuộc bầu cử sửa đổi Hiến pháp của Nga bắt đầu trên các vùng lãnh thổ từ ngày 25/6 và kéo dài đến 1/7 để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19, cũng như đáp ứng sự chênh lệch múi giờ trên toàn lãnh thổ nước Nga. Điểm đặc biệt của cuộc bầu cử là sử dụng cả định dạng bỏ phiếu điện tử.
Theo luật pháp Nga, khi có trên 50% tổng số cử tri bỏ phiếu tán thành những sửa đổi, các thay đổi mới trong Hiến pháp Nga sẽ có hiệu lực kể từ ngày công bố kết quả bầu cử chính thức.
Điện Kremlin trích dẫn văn bản của sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, sửa đổi Hiến pháp Nga sẽ có hiệu lực vào ngày 4/7. Đồng thời, ông Putin chỉ thị công bố Hiến pháp với các sửa đổi, trên cổng thông tin pháp lý chính thức.
“Sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga, theo quy định tại Điều 1 của Luật Liên bang Nga về sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga ngày 14/3/2020, về việc cải thiện quy định liên quan tới một số vấn đề của tổ chức và hoạt động của cơ quan công quyền, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 4/7/2020”, trích văn bản của sắc lệnh.
Ngoài ra, hiến pháp mới đưa ra các yêu cầu chặt chẽ hơn đối với các ứng cử viên tổng thống trong tương lai như phải sống ở Nga ít nhất 25 năm. Thêm vào đó, các sửa đổi đã thay đổi quá trình thành lập chính phủ Nga, chuyển thêm quyền lực từ Tổng thống sang cơ quan lập pháp. Giờ đây, hầu hết các bộ trưởng nội các phải nhận được sự chấp thuận của Duma Quốc gia Nga.
Các Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao, Tư pháp, Nội vụ và Bộ Tình trạng khẩn cấp là những cơ quan không áp dụng quy định này. Đổi lại, Tổng thống nhận được nhiều quyền hạn hơn trong việc bổ nhiệm và bãi nhiệm các công tố viên và các thẩm phán Tòa án Hiến pháp.
Như vậy, sau khi bản Hiến pháp có hiệu lực, sẽ không tính số nhiệm kỳ đối với những người đã và đang là Tổng thống Nga. Do đó, theo Hiến pháp sửa đổi, ông Putin sẽ tiếp tục tranh cử Tổng thống Nga vào năm 2024 và có thể giữ ghế đến năm 2036, khi ông 83 tuổi.
Điều ít biết về cuộc chiến tình báo giữa Nga và Mỹ ở Syria
Đang có một cuộc chiến thầm lặng nhưng không kém phần khốc liệt giữa Nga với Mỹ và phương Tây ở Syria, đó là cuộc chiến tình báo.
Thanh Bình (lược dịch)