Tốn 46 tỷ sửa chữa, đê vẫn 'hở trên sụt dưới' ở Hà Tĩnh: Hàng ngàn khối đất không rõ nguồn gốc
Để triển khai dự án đê Tân Long (Hương Sơn, Hà Tĩnh), phải sử dụng hàng chục ngàn khối đất để nâng cấp. Phía chủ đầu tư cho rằng Công ty cổ phần xây dựng 68 Hà Tĩnh lấy đất tại mỏ, còn chủ mỏ đất lại phủ nhận điều này.
Mặc dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng khoảng 700m đầu tuyến đê Tân Long do Công ty cổ phần xây dựng 68 Hà Tĩnh thi công có dấu hiệu kém chất lượng.
Tại hiện trường, bê tông có dấu hiệu thiếu max khiến nhiều điểm bị gãy kết cấu, tạo nên những vết nứt chạy ngang từ bên này sang kia mặt đê.
Rất nhiều vị trí mặt đê không đủ chiều dày theo thiết kế, đặc biệt có vị trí chỉ đạt khoảng 16cm. |
Ngay sau khi phát hiện, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát đã lập biên bản yêu cầu Công ty cổ phần xây dựng 68 Hà Tĩnh khoan cắt, dỡ bỏ nguyên tấm bê tông dài 5m (theo khoảng cách giữa 2 khe co giãn) nơi bị nứt gãy để đổ lại.
Tuy nhiên, theo quan sát của PV, tại 7 vị trí đã cắt bỏ, có 1 điểm rộng khoảng 10m, còn 6 vị trí khác chỉ cắt bỏ từ 1,2 đến 1,6m. Điều đáng nói là tại các vị trí đã cắt, để lộ rất nhiều điểm không đảm bảo độ dày theo thiết kế, mặt đê chỉ đạt từ 16cm đến 18cm.
Sau khi dỡ bỏ mặt đê bị nứt gãy, mặc dù chưa được chủ đầu tư nghiệm thu nhưng Công ty cổ phần xây dựng 68 Hà Tĩnh đã huy động xe bồn đến để đổ bê tông trám vào.
Trong số 7 điểm đã khoan cắt để sửa chữa, có 6 điểm chỉ rộng từ 1,2m đến 1,6m, không đảm bảo kỹ thuật, sai với biên bản đã ký giữa các bên. |
Chưa được chủ đầu tư nghiệm thu, đơn vị thi công đã huy động xe bồn đến đổ bê tông trám vào. |
Lý giải về việc tại sao chưa lập biên bản nghiệm thu mà lại cho đơn vị thi công đổ bê tông, ông Hồ Tiến Dũng (Công ty cổ phần tư vấn xây dựng cơ sở hạ tầng), Giám sát trưởng công trình cho rằng, do trời mưa nên cho đổ bê tông rồi về lập biên bản sau.
Nhận thấy chưa đạt yêu cầu, ông Biện Văn Tỉnh, Phó ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Hương Sơn đã đình chỉ và yêu cầu xe bê tông Hồng Lĩnh ra khỏi công trường.
Ông Biện Văn Tỉnh (bìa trái) chỉ đạo tháo bạt, hạ thấp nền đường và yêu cầu xe bê tông Hồng Lĩnh ra khỏi công trường. |
Không chỉ làm ẩu, làm dối trong thi công mặt đê, Công ty cổ phần xây dựng 68 Hà Tĩnh còn có dấu hiệu sử dụng hàng ngàn khối đất không rõ nguồn gốc, chưa được thí nghiệm đầu vào để đổ vào công trình.
Theo bản vẽ thiết kế thi công, toàn bộ dự án xử lý cấp bách đê Tân Long cần sử dụng trên 35.000m3 đất (trên 30.000m3 đất K95 và trên 4.000m3 đất K98), trong đó, Công ty cổ phần xây dựng 68 Hà Tĩnh thi công gần 700m đầu tuyến, tương đương khoảng 7.000m3 đất để nâng cấp thân đê.
Trao đổi với PV Infonet, ông Biện Văn Tỉnh cho biết, đất đổ vào dự án được chỉ định lấy tại mỏ Đồng Trạng của Công ty Thọ Lam ở xã Sơn Diệm (nay là xã Quang Diệm - PV); đến nay, Công ty cổ phần xây dựng 68 Hà Tĩnh không trình bất kỳ hồ sơ nào liên quan đến việc đề nghị thay đổi vị trí lấy đất đắp đê.
Ông Tỉnh cho rằng, đất lấy ở đâu cũng được, hợp pháp là được, "miễn rằng phải được thí nghiệm đầu vào và được chủ đầu tư đồng ý''.
Vị Phó giám đóc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Hương Sơn cũng từ chối cung cấp cho phóng viên hồ sơ dự toán, các biên bản nghiệm thu giai đoạn, biên bản kiểm tra hiện trường, xử lý nứt nẻ... tại công trình để minh bạch thông tin.
Hàng ngàn khối đất không rõ nguồn gốc, chưa được thí nghiệm vật liệu đầu vào, được Công ty cổ phần xây dựng 68 Hà Tĩnh sử dụng để thi công dự án phòng chống mưa lũ. |
Liên quan đến nguồn gốc đất đổ vào dự án để nâng cấp thân đê, ông Lê Đức Thọ, chủ mỏ đất Đồng Trạng (xã Sơn Diệm) khẳng định không làm hợp đồng hay cung cấp khối đất nào cho Công ty cổ phần xây dựng 68 Hà Tĩnh.
Hàng ngàn khối đất không rõ nguồn gốc, chưa rõ được thí nghiệm vật liệu đầu vào ra sao, đã được sử dụng để thi công dự án phòng chống mưa lũ liệu có đảm bảo chất lượng? Khi nước sông dâng cao, gây ra sự cố xói lở, vỡ đê, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân, ai là người chịu trách nhiệm?
Trải qua nhiều đợt mưa lũ, đê bị hư hỏng, xuống cấp nặng nề. Đặc biệt, đoạn quan xã Sơn Châu dài khoảng 3km, mặt cắt đê nhỏ hẹp, cao trình thấp, thân đê có nhiều điểm bị sạt lở, tổ mối, gây nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ cũng như ảnh hưởng đến lưu thông của người dân địa phương.
UBND huyện Hương Sơn đã lập dự án để sửa chữa, nâng cấp tuyến đê đoạn qua địa bàn xã Sơn Châu với tổng mức đầu tư là gần 46 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp là 35,5 tỷ.
Tốn 46 tỷ đồng sửa chữa, đê vẫn sụt hàm ếch: Đơn vị thi công tự ý 'sửa chui'
Sau khi Infonet phản ánh thực trạng dự án đê Tân Long (Hà Tĩnh) có dấu hiệu kém chất lượng, đơn vị tư vấn giám sát cho biết, nhà thầu đã tự ý sửa chữa không đúng biên bản ký kết và không báo với các bên liên quan.
Hà Tĩnh: 46 tỷ cấp bách xử lý đê Tân Long, vừa thi công đê đã 'há miệng', sụt hàm ếch
Mặc dù được đầu tư 45,9 tỷ đồng cho Dự án xử lý cấp bách đê Tân Long (Hà Tĩnh) nhưng chỉ sau ít tháng thi công, mặt đê đã bị nứt nẻ, hai bên mái bị xói lở, tạo nên những hầm ếch lớn
Trần Hoàn