Tôi rất cần bờ vai của một người đã có gia đình, nhưng lại sợ vợ con anh hiểu lầm
Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em 38 tuổi, đã làm mẹ đơn thân sáu năm. Khi ly hôn, con gái em mới bốn tuổi, giờ con đã học lớp Ba. Mấy năm qua, em có quen biết một vài người, nhưng không có ai đủ tình cảm, tin cậy để em quyết định tiến tới hôn nhân thêm lần nữa.
Em đã cố gắng nhiều, em thấy với công việc thì những cố gắng của mình mang lại kết quả, còn đối với tình cảm, càng cố gắng em càng thất vọng nhiều hơn. Đến bây giờ, em đã thôi hy vọng mình sẽ gặp được một ai đó để làm tiếp tập hai hôn nhân.
Hiện tại, cuộc sống của em khá ổn. Thu nhập của em cao, bù lại phải làm việc nhiều. Em vẫn cố dành thời gian chăm sóc con, nhưng em bị áp lực lớn đối với việc đưa đón con đi học.
Em không có nhiều sức khỏe, nên nhiều khi chạy xe máy chở con đi học rất mệt, cũng không an toàn. Em đã mua xe hơi, học lái, nhưng mình là mẹ đơn thân nên cũng khó khăn khi xe có vấn đề, nói đâu xa chỉ việc dừng xe, đậu xe đối với em đã là căng thẳng. Cuối cùng phải thuê lái xe riêng.
Anh lái xe đã có gia đình, lúc đọc hồ sơ em có biết vậy. Nhưng khi lái xe cho em, anh ấy rất chu đáo, ân cần. Dần dần em thấy anh ấy cũng tham gia phụ nhiều việc khác trong nhà, những lúc phải mang vác nhiều đồ nặng, chợ búa mua sắm, anh ấy còn mang lên đến tận căn hộ của hai mẹ con em.
Em biết mình không yêu thương, nhưng đôi khi có một bờ vai, một đôi tay mạnh mẽ bên mình cũng thật dễ chịu. Em nghĩ mình không xen vào cuộc sống gia đình họ, không tranh giành tình cảm của ai, đơn thuần chỉ tìm một sự giúp đỡ, nếu cần sẽ trả thêm tiền.
Lúc em thử nói xa gần đặt vấn đề, anh không chịu nhận, nói vì thấy hoàn cảnh của em nên chỉ muốn giúp. Em nên xử sự thế nào để giữ sự giúp đỡ này được lâu dài và tránh hiểu lầm của gia đình anh?
Lưu Nhã (TP.HCM)
Ảnh minh họa |
Em Lưu Nhã thân mến,
Trong trường hợp này, điều quan trọng nhất là em phải rõ ràng dứt khoát giữa công việc và tình cảm; em phải chắc chắn, kiên định điều đó. Nhưng cũng có khi bản thân mình thì rất rõ ràng, nhưng người ngoài cuộc nhìn vô lại thấy có sự nhập nhằng. Họ có thể kết luận là em đang lợi dụng, hoặc bản thân anh lái xe cũng đang lợi dụng.
Hoàn cảnh đơn thân, khá giả của mình dễ gây nên những hiểu lầm đó. Vì vậy em không chỉ phải tự mình làm rõ với mình, mà còn phải chủ động làm rõ nó với những người liên quan, từ phía bên ngoài.
Em có thể vạch rõ các giới hạn với người lái xe của mình. Ví dụ giờ làm việc, loại công việc chính, những kiểu giúp đỡ nào có thể xếp vào loại công việc phát sinh. Từ đó, thống nhất mức lương phù hợp.
Về phía em, điều này sẽ hạn chế bớt những yêu cầu ngoài giờ, ngoài công việc chính thức, vạch rõ giới hạn giữa em và lái xe. Quan trọng nhất là điều này sẽ không làm cho em có cảm giác mình mang ơn sự giúp đỡ của người ta, đồng thời cũng tránh cho người ta những ngộ nhận mơ hồ không cần thiết.
Về phía người lái xe của em, anh ta đã có gia đình, em nên công khai trò chuyện về gia đình anh ấy, nếu có thể, gặp gỡ thăm hỏi gia đình anh ấy, để vợ con anh ấy biết em là người đang thuê một dịch vụ, gồm hai phần: phần công việc kỹ thuật - lái xe đưa đón đúng giờ; phần là dịch vụ chăm sóc - giúp đỡ nếu cần thiết. Em chi trả cho dịch vụ đó một cách rõ ràng, không lợi dụng.
Việc thăm hỏi này có thể nhẹ nhàng thôi: gửi một món quà cho vợ con anh ấy, lúc nào tiện có thể gặp gỡ, ăn cơm, nói chuyện, lấy số điện thoại để tiện liên lạc. Cách cư xử này cho thấy em đúng mực và giữ khoảng cách.
Sự rõ ràng, chừng mực của em sẽ khiến người khác cũng phải cư xử đúng mực, gìn giữ mối quan hệ đúng với tính chất của nó và được lâu dài.
Hạnh Dung
Theo phunuonline