Toàn cảnh đường đi 'thót tim' của tàu lượn siêu tốc cao và nhanh nhất thế giới
New York Post đưa tin nhà thiết kế trò chơi Intamin gần đây đã tung ra một video giới thiệu Falcon's Flight, mẫu tàu lượn siêu tốc leo cao và nhanh nhất thế giới. Theo đó, mẫu tàu siêu tốc này có thể leo lên độ cao hơn 184 mét và duy trì tốc độ vào khoảng hơn 241km/h.
Philippe Gas, giám đốc điều hành của công viên giải trí Six Flags Qiddiya, ở Ả Rập Saudi, nơi lắp đặt mẫu trò chơi hiện đại này, cho biết: “Tàu lượn siêu tốc của chúng tôi sẽ không giống bất cứ nơi nào trên thế giới".
Intamin cũng đã tiết lộ thông tin chi tiết và dự đoán trò chơi sẽ được đưa vào hoạt động khi công viên Qiddiya khai trương vào năm tới.
Theo công ty sản xuất, chiếc tàu lượn “Exa” có kích thước bằng tòa nhà chọc trời này, khi ở độ cao 184 mét, sẽ đổ dốc với tốc độ tối đa 1.030 km/h đảm bảo 14 hành khách trên toa chắc chắn choáng ngợp, Coaster101.com đưa tin.
Khi Falcon's Flight được đưa vào hoạt động, nó được cho là sẽ vượt qua 'người anh em' đang giữ kỷ lục hiện tại về độ cao là Kingda Ka với 139 mét ở Six Flags Great Adventure, New Jersey, Mỹ.
Đồng thời, nó cũng sẽ vượt qua tàu lượn siêu tốc Formula Rossa của Dubai. Đây là mẫu tàu lượn siêu tốc giữ kỷ lục tốc độ có thể di chuyển với tốc độ lên tới 239km/h.
Tuy nhiên, những kỷ lục mà Falcon's Flight thiết lập không chỉ dừng lại ở đó.
Để đạt được tốc độ chóng mặt này, Falcon's Flight sẽ tạo ra ba lần phóng điện từ riêng biệt dọc theo đường đua dài 4km.
Đường đua của Falcon's Flight cũng dài hơn 1,6 mét so với kỷ lục thế giới hiện tại là Steel Dragon 2000 tại Nagashima Spa Land của Nhật Bản.
Dù có tốc độ kinh hoàng nhưng hành khách khi chơi Falcon's Flight sẽ không cần kính bảo hộ như với Formula Rossa. Thay vào đó, mỗi toa bốn chỗ đều được trang bị kính chắn gió để bảo vệ hành khách khỏi các yếu tố thời tiết.
Tàu lượn siêu tốc Falcon sẽ là một trong 28 trò chơi kỳ thú tại Qiddiya, công viên giải trí đầu tiên của Ả Rập Saudi, nằm trong chiến dịch Tầm nhìn 2030, một chương trình của chính phủ nhằm tăng cường “đa dạng hóa kinh tế, gắn kết toàn cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống”.