Tình hình chiến sự thay đổi, Ukraine cần vũ khí gì của Mỹ để đối đầu với Nga?
Nhận định tình hình chiến sự ngày càng khốc liệt, một nhà lập pháp Ukraine kêu gọi Mỹ hỗ trợ vũ khí phòng không và chiến đấu cơ để tăng sức đối đầu với Nga.
Một nhà lập pháp Ukraine kêu gọi Mỹ hỗ trợ cung cấp các hệ thống phòng không và chiến đấu cơ cho quân đội Ukraine, bởi tình hình trên chiến trường đang “tồi tệ hơn nhiều” so với giai đoạn đầu bùng nổ giao tranh.
“Các tiền tuyến đang như địa ngục. Chúng tôi vẫn tiếp tục mất đi nhiều binh sĩ so với giai đoạn đầu cuộc chiến”, CNN dẫn lời bà Oleksandra Ustinova nói với các phóng viên tại Washington hôm 13/5.
Tình hình chiến sự thay đổi, Ukraine kêu gọi Mỹ hỗ trợ các hệ thống phòng không và chiến đấu cơ để đối đầu với Nga. (Ảnh: AP) |
Trong khi đó, bà Daria Kaleniuk, nhà hoạt động xã hội dân sự hàng đầu ở Ukraine, giải thích rằng “Ukraine không thể giành phần thắng bằng các thiết bị quân sự có từ thời Liên Xô cũ, bởi Nga có nhiều thiết bị từ thời Liên Xô cũ hơn, Ukraine không mua được đạn để nạp vào những vũ khí này, và Nga đơn giản là có nhiều người và binh sĩ hơn”.
Theo bà Ustinova, Ukraine hiện không cần các chiến đấu cơ MiG được sản xuất dưới thời Liên Xô cũ, do “tình hình cuộc chiến đã thay đổi”.
Thay vào đó, bà Ustinova cho biết Ukraine đang cần các hệ thống phóng rocket đa nòng (MLRS), pháo tự hành Paladin, tiêm kích F-16 để có thể đối phó hiệu quả với Nga, đồng thời kêu gọi Mỹ huấn luyện cho phi công Ukraine điều khiển những chiến đấu cơ hiện đại này.
Còn bà Kaleniuk, người gần đây đã gặp gỡ các quan chức quốc phòng Ukraine ở Kiev, nhận định Ukraine "có những phi công với kinh nghiệm chiến đấu, sẵn sàng được đào tạo ngay bây giờ. Nhưng chưa có ai huấn luyện họ, bởi chưa có quyết định cung cấp chiến đấu cơ được ban hành”.
Trên thực tế, Mỹ đã chuyển giao cho Ukraine nhiều vũ khí hạng nặng, nhưng chưa cung cấp MLRS hay chiến đấu cơ.
Bà Ustinova và Kaleniuk đã có mặt ở Washington để dự các cuộc họp trong tuần này cho rằng chính quyền Mỹ đã thiếu “ý chí chính trị cần thiết” để đưa ra quyết định cung cấp các loại vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Bởi Mỹ dường như vẫn lo ngại hành động này có thể chọc giận Nga.
Về phần mình, Moscow nhiều lần lên tiếng yêu cầu Mỹ và các nước phương Tây “ngừng bơm” vũ khí cho Kiev. Các quan chức hàng đầu của Nga nhận định cuộc chiến ở Ukraine đã biến thành “chiến tranh ủy nhiệm”, mà ở đó NATO đang chiến đấu chống lại Nga.
Nga cũng cảnh báo việc phương Tây vẫn cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ kéo dài cuộc chiến này, mà không thể làm thay đổi kết quả.
Tuy nhiên, phát biểu hôm 13/5, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nhấn mạnh nếu Quốc hội Mỹ không thể thông qua đề xuất hỗ trợ thêm cho Ukraine 40 tỉ USD vào ngày 19/5, “chuyện này sẽ tác động” tới khả năng của Mỹ trong hoạt động cung cấp quân sự “không bị gián đoạn” cho Ukraine.
Trong tuần này, Hạ viện Mỹ đã thông qua kế hoạch hỗ trợ thêm 40 tỉ USD cho Ukraine, nhưng đề xuất này lại bị tắc ở Thượng viện.
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết quân đội Ukraine đã giành lại 1.015 khu dân cư từ tay quân đội Nga, kể từ khi Moscow thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2.
"Chúng tôi tiếp tục giành lại các vùng lãnh thổ từng bị chiếm đóng tại Ukraine. Tính đến nay, 1.015 khu dân cư đã được giành lại với thêm 6 nơi trong 24 giờ qua", ông Zelensky nói trong bài phát biểu vào tối ngày 13/5.
Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky không cung cấp thông tin về vị trí các khu vực mà lực lượng Ukraine đã giành lại được quyền kiểm soát.
“Chúng tôi đã tái khôi phục nguồn cung điện, nước, thông tin liên lạc, giao thông và các dịch vụ xã hội tại đây”, ông Zelensky nói về tình hình tại các vùng được quân đội Ukraine giành lại.
Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh, “việc vùng Kharkiv đang được giải phóng dần dần” chứng minh Ukraine “sẽ không để bất cứ ai rơi vào tay đối phương”.
Lần đầu điện đàm suốt 1 tiếng đồng hồ, tướng Nga – Mỹ không đạt được kết quả về Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Nga - Mỹ lần đầu tiến hành điện đàm kể từ khi Nga tấn công Ukraine, song không có kết quả nào đạt được.
Minh Thu (lược dịch)