Tiếp tục nỗ lực thực hiện xây dựng xã hội học tập
Bộ GD&ĐT mong muốn thời gian tới, các cơ quan ban ngành cần tiếp tục phối hợp đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Theo Bộ GD&ĐT, xây dựng xã hội học tập từ cơ sở là một chủ trương được triển khai trong một thời gian dài bằng việc xây dựng những mô hình hiếu học và khuyến học (gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học).
Sau 15 năm phát triển, các mô hình hiếu học và khuyến học đã được khẳng định như những yếu tố động lực cho việc đẩy mạnh việc học tập suốt đời trong các cộng đồng dân cư. Các mô hình đó là tiền đề cho việc xây dựng các mô hình học tập giai đoạn 2016 - 2021.
Tiếp tục nỗ lực thực hiện xây dựng xã hội học tập (ảnh minh họa) |
Để thực hiện điều đó, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội khuyến học cấp tỉnh và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ quan trọng.
Thứ nhất, chỉ đạo rà soát lại kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” của địa phương, bổ sung những giải pháp thiết thực nhằm hoàn thành các mục tiêu của Đề án đến năm 2020. Củng cố và kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” tại địa phương.
Thứ hai, chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Hội khuyến học cấp tỉnh thực hiện việc đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã theo Thông tư số 44/2014/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo một cách thiết thực, hiệu quả; đồng thời tích cực tham gia với Hội tổ chức đánh giá, công nhận “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” (thôn/bản/ấp/tổ dân phố), “Đơn vị học tập” ở cơ sở thuộc xã quản lý theo Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Kinh phí cho các hoạt động kiểm tra, đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã lấy từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” hàng năm của địa phương.
Thứ ba, chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, thúc đẩy việc tự học, tự bồi dưỡng nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; có các hình thức động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia học tập suốt đời, chú trọng đến những nhóm đối tượng khó khăn, điều kiện làm việc ít được tiếp cận với cơ hội học tập; chủ động, tích cực triển khai việc phát triển văn hóa đọc trong các trường học, cơ quan, đơn vị.
Thứ tư, tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng theo hướng dẫn tại công văn số 2553/BGDĐT-GDTX ngày 18 tháng 4 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; rà soát, đánh giá việc thực hiện hệ thống chính sách hiện có; điều chỉnh, bổ sung kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng theo Thông tư số 96/2008/TT-BTC ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Bộ Tài chính theo hướng căn cứ vào hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng.
Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp để hoàn thiện mô hình trung tâm học tập cộng đồng phát triển bền vững, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.
Thứ năm, rà soát, đánh giá lại việc sáp nhập các trung tâm công lập cấp huyện để giúp các trung tâm này ổn định, hoạt động hiệu quả; không sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên với trường trung cấp trên địa bàn. Chỉ đạo thực hiện việc dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề nhằm đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.
Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao dân trí, hỗ trợ và khuyến khích phát triển tài năng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của địa phương, góp phần xoá đói giảm nghèo.
Với những kết quả, bài học kinh nghiệm đã được rút ra sau hàng chục năm thực hiện, trong thời gian tới, để thực hiện tốt các nhiệm vụ của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân của tỉnh, nhất là tăng cường hơn nữa vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Qua đó góp phần tạo cơ hội và điều kiện cho người dân trong việc học tập và giúp mọi người nâng cao ý thức vươn lên trong học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời.
Hoàng Thanh