Tiêm filler nâng mũi, cô gái 21 tuổi mù mắt trái
Một bên mắt của bệnh nhân đau nhức, không nhìn thấy gì sau khi tiêm filler |
PGS.TS.BS Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, kết quả thăm khám cho thấy chị T. bị thuyên tắc mạch máu phía sau võng mạc, gây mù mắt, xuất huyết kết mạc, phù giác mạc. Bệnh nhân được cho dùng thuốc kháng viêm giảm đau, bôi dung dịch mỡ tránh làm hoại tử và tổn thương thêm vùng da chỗ tiêm filler.
Chị T. chia sẻ chị đến spa gần nhà tư vấn tiêm 1cc filler nâng mũi với giá 2 triệu đồng. “Chủ spa nói tiêm filler không bị ảnh hưởng gì cả, nếu không thích tiêm nữa thì sẽ được tiêm thuốc làm tan filler nên em yên tâm làm. Khi chỉ mới tiêm được nửa ống thì em cảm thấy đầu bên trái và hàm bên trái rất đau nhức, ù hết lỗ tai, mắt trái không thấy gì nữa nên bảo rút kim tiêm ra liền”, chị T. kể lại. Sau khi xảy ra sự cố, chị đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt ở địa phương và được khuyên vào bệnh viện ở TP.HCM cấp cứu.
Theo PGS.TS.BS Đỗ Quang Hùng, tiêm filler là kỹ thuật khó, đòi hỏi bác sĩ được đào tạo về tạo hình thẩm mỹ, nắm vững cấu trúc mạch máu. Tiêm filler phải được thực hiện tại các cơ sở được cấp phép và có đủ điều kiện xử trí cấp cứu. Nhân viên ở spa là những người không được đào tạo và không được phép làm kỹ thuật này.
“Mạch máu phía sau võng mạc rất nhỏ, nếu kỹ thuật bơm filler không đúng dễ làm cho filler vào trong mạch máu, gây tắc mạch. Tiêm filler nâng mũi cũng dễ làm thuyên tắc mạch máu phía sau võng mạc vì mạch máu này rất nhỏ, gây mù mắt, xử trí phục hồi thị lực khó và có nguy cơ ảnh hưởng đến mắt còn lại”, BS Hùng phân tích.
Ngoài chị T, hiện khoa Tạo hình thẩm mỹ của bệnh viện cũng đang điều trị cho bệnh nhân NTH (52 tuổi, ngụ Bà Rịa – Vũng Tàu) trong tình trạng tương tự. Do lượng filler được tiêm vào mũi bệnh nhân H. nhiều nên các bác sĩ phải lấy bớt ra và xử lý chống viêm tấy, nhiễm khuẩn