Thuê xe đi thăm người bệnh về, cả xã thành ổ dịch
Tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo hai bệnh viện lớn đang phong tỏa phòng chống Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Duy Tuyên nhấn mạnh cần hạn chế tối đa người ra vào thăm bệnh nhân để phòng dịch
Cần bỏ thói quen thăm hỏi người ốm ở bệnh viện
Liên quan tới các ổ dịch ở trong bệnh viện và nhiều tỉnh thành cũng ghi nhận các ca Covid-19, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần bỏ thói quen thăm hỏi khi ốm đau.
PGS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K, cho biết sau 5 ngày cách ly, hiện Bệnh viện K thực hiện phương pháp cách ly từng khoa, tầng, khối nhà về chủ động sàng lọc. Từ ngày 7/5 đến nay không phát hiện ca nào trong bệnh viện.
Tuy nhiên, PGS Quảng cho biết hiện nay Bệnh viện K đang chịu áp lực lớn, đặc biệt từ bệnh nhân đang trì hoãn điều trị. Bệnh viện đã phân công cho các khoa, phòng gọi điện trực tiếp tư vấn cho bệnh nhân. Đến hôm nay đã gọi gần hết cho các bệnh nhân.
Lãnh đạo Bệnh viện K cũng kiến nghị hỗ trợ các trường hợp F1 đang cách ly tại bệnh viện, hỗ trợ test nhanh, tạo điều kiện cho bệnh nhân nhẹ về tuyến dưới…
BV K trung ương xét nghiệm cho người đang cách ly trong viện. |
Tại cơ sở Bệnh viện K cơ sở Tân Triều đến nay đã thực hiện xét nghiệm lần 2, 3 đều cho kết qủa âm tính với SARS-CoV-2, vì vậy bệnh viện cũng xin ý kiến Bộ Y tế ở các khoa không có yếu tố dịch tễ có thể mở lại để đón tiếp bệnh nhân.
TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết tình hình bên trong Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 từ khi phong tỏa có 372 nhân viên; 305 bệnh nhân và 41 người nhà. Bệnh viện đang điều trị cho 284 ca dương tính với SARS-CoV-2. Ngoài ra có 21 bệnh nhân thường khác.
Bệnh viện đề xuất chuyển những bệnh nhân thường, không mắc Covid-19 và đã có kết quả xét nghiệm từ 2-3 lần âm tính với SARS-CoV-2 sang các cơ sở y tế khác để tránh lây nhiễm, và cũng phù hợp với mong muốn của người bệnh.
Tất cả nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đều âm tính vì phòng hộ rất nghiêm ngặt, do đó TS Thạch cho rằng nguồn lây khả năng do từ ngoài vào, bệnh nhân đến tại phòng khám bệnh, khoa điều trị tích cực…
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã ghi nhận 86 ca mắc trong bệnh viện, trong đó có 9 nhân viên y tế; Bệnh viện K ghi nhận 15 ca mắc trong bệnh viện và 16 ca liên quan.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, tình hình dịch Covid-19 ở hai ổ dịch là BV K Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì không thể chủ quan bởi vì các địa phương đều có ca nhiễm liên quan tới hai bệnh viện này.
Theo ông Tuyên ví dụ như ổ dịch lớn nhất là xã Mão Điền, huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh là do một người nằm viện thì người nhà thuê xe 16 chỗ lên thăm người bệnh về thì có 6 ca dương tính, cộng thêm đám cưới dẫn tới số ca mắc tăng cao như vậy.
Hiện tại, Thứ trưởng Tuyên yêu cầu các bệnh viện cần rà soát lại, sửa quy chế ra vào thăm bệnh nhân, hạn chế tối đa người nhà vào thăm trong lúc dịch bệnh như thế này.
Với chủng virus mới có tốc độ lây lan nhanh thì không thể chủ quan. Thứ trưởng Tuyên yêu cầu các bệnh viện nhất là BV K và BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cần rà soát lại khâu tổ chức điều hành trong phòng chống dịch của 2 bệnh viện, kiện toàn lại Ban chỉ đạo phòng chống dịch của bệnh viện, và bắt buộc Ban chỉ đạo phải do Giám đốc làm Trưởng ban.
Thứ hai, rà soát công tác sàng lọc trong bệnh viện từ phân luồng, khám sàng lọc với tất cả đối tượng đến khám chữa bệnh.
Ngoài ra, hai bệnh viện định kỳ ít nhất 7 ngày phải làm xét nghiệm cho cán bộ nhân viên y tế, đặc biệt các nhân viên làm việc ở nơi có nguy cơ như khoa cấp cứu, trung tâm thận nhân tạo, hô hấp và truyền nhiễm… Sau này tiếp tục sàng lọc xét nghiệm toàn bộ nhân viên bệnh viện. Bệnh viện cần thực hiện nghiêm điều này.
Với các địa phương, khi có ca bệnh phải điều trị tại chỗ, trường hợp cần thiết xin ý kiến hội chẩn chuyên gia đầu ngành qua kết nối Telehealth - Khám chữa bệnh từ xa; chỉ chuyển tuyến lên BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương khi có bệnh nhân nặng, vượt khả năng điều trị.
Hiện nay, áp lực điều trị BV K rất lớn nên các chuyên gia cho rằng BV K có thể xem xét nếu an toàn thì có thể cho mở một số khoa điều trị nhưng cần phối hợp chặt chẽ với CDC Hà Nội để đảm bảo phòng dịch tốt, người bệnh cũng không lỡ dở việc điều trị ung thư.
K.Chi