Thuế thuốc lá và việc làm, kinh nghiệm từ một số nước
Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra tăng thuế thuốc lá tác động làm gia tăng tổng sản lượng và việc làm của nền kinh tế nói chun |
Để mô phỏng đánh giá sự thay đổi về việc làm do tiêu dùng thuốc lá giảm, các nghiên cứu chủ yếu sử dụng mô hình phân tích tính đầu vào – đầu ra (I-O). Mô hình này dựa trên sự phụ thuộc hay mối quan hệ giữa các ngành trong nền kinh tế và cho phép mô phỏng tác động chính sách đến sự thay đổi sản lượng và việc làm của các ngành trong nền kinh tế. Dưới đây là tổng hợp các kết quả nghiên cứu tại các nước về tác động của tăng thuế đến tổng việc làm của nền kinh tế.
McNicll và Boyle (1992) sử dụng mô hình I–O để ước lượng tác động của việc giảm tiêu dùng thuốc lá đối với việc làm của nền kinh tế Scotland vào năm 1989. Kết quả cho thấy nếu tất cả mọi người dừng hút thuốc thì số việc làm sẽ tăng thêm 0,1% (tương đương với 8000 việc làm tại nước này).
Nghiên cứu của Van der Merwe (1998a) cho Nam Phi và Bangladesh đưa ra kết luận rằng hạn chế sử dụng thuốc lá sẽ có thể tạo thêm 50.236 việc làm (+0,4%) vào năm 1995 cho Nam Phi, và 1.098.919 việc làm (+ 2,0%) cho Bangladesh vào năm 1994. Một nghiên cứu khác của Barkat và cộng sự (2012) mới đây nhất cũng cho trường hợp Bangladesh cho thấy nếu chính phủ đánh thuế 34 taka cho gói 10 điếu (tức là bằng 70% giá bán lẻ) thì có thể tăng thêm doanh thu thuế cho chính phủ là 15,1 tỷ taka (tương đương 200 triệu đô la). Các tác giả kết luận việc tăng thuế thuốc lá sẽ không tác động đáng kể với việc làm của toàn bộ nền kinh tế. Khi tiền thuế thu được từ việc tăng thuế thuốc lá được sử dụng cho các khoản chi tiêu khác, đặc biệt là các ngành sử dụng nhiều lao động, nó sẽ kích thích tạo việc làm mới mà có thể bù đắp cho số việc làm bị mất trong ngành thuốc lá.
Nghiên cứu mới đây về chính sách thuế thuốc lá ở Indonesia, Ahsan và Wiyono (2007) sử dụng số liệu từ Điều tra Lực lượng lao động Quốc gia (NLFS) năm 2003 và bảng cân đối liên ngành năm 2003 để ước lượng tác động của tăng thuế thuốc lá tới việc làm. Kết quả cho thấy việc tăng thuế thuốc là có tác động tích cực đến việc làm của nước này. Tăng thuế sẽ tạo thêm việc làm cho 60 ngành khác, trong khi sẽ làm mất việc làm của 6 ngành trong nền kinh tế. Cụ thể, nếu tăng thuế 13 điểm % (tức là tăng 50% so với mức thuế hiện hành) thì tổng số việc làm mới tăng thêm cho nền kinh tế là 140.567. Nếu tăng thuế là 26 điểm % (tức là tăng 100% so với mức thuế hiện hành) thì tổng số việc làm sẽ tăng thêm là 281.135 (tương đương 0,3% tổng số việc làm của cả nước). Nghiên cứu này cũng cho thấy ngành sản xuất thuốc lá ở Indonesia chỉ đóng góp chưa đến 1% lực lượng lao động của nền kinh tế từ những năm 1970.
Buck và cộng sự (1995) áp dụng bảng cân đối liên ngành cùng với số liệu Điều tra Chi tiêu Hộ gia đình (FES) và Tổng Điều tra Hộ gia đình năm 1990 để tính toán tác động tăng thuế thuốc lá ở Anh. Kết quả cho thấy giảm 40% mức tiêu dùng thuốc lá sẽ làm tăng tổng số việc làm khoảng 155.000 tới 165.000 phụ thuộc vào việc chính phủ tăng các loại thuế khác như thế nào.
Tuy nhiên, cũng sử dụng phương pháp này để đánh giá tác động của tăng thuế đến việc làm của Zimbabwe – một quốc gia xuất khẩu thuốc lá, nghiên cứu Van der Merwe (1998b) cho thấy nếu nước này thực hiện đồng thời việc hạn chế tiêu dùng thuốc lá trong nước và hạn chế sản xuất thuốc lá trong nước thì sẽ làm số việc làm của nền kinh tế bị mất đi là 87.798 việc làm vào năm 1980.
Đối với trường hợp của Bulgaria, nghiên cứu của Petkova và cộng sự (2001) cho thấy 10% giảm trong tiêu dùng thuốc lá sẽ làm tổng số việc làm của nền kinh tế giảm là 5567 việc làm (- 0,02%).
Sử dụng bảng cân đối liên ngành và các số liệu thống kê của Ai Cập giai đoạn 1990 - 1999, Heba và cộng sự đánh giá tác động của chính sách kiểm soát thuốc lá đến việc làm thông qua hai yếu tố là tiền lương và số nhân việc làm. Kết quả cho thấy, tác động của chính sách này thông qua tiền lương đối với tổng nhu cầu cuối cùng và toàn bộ nền kinh tế rất nhỏ (số nhân tương ứng chỉ là 0,027 và 0,035), trong khi đó tác động qua số nhân việc làm cũng không lớn do quan hệ yếu giữa ngành sản xuất thuốc lá với các ngành khác trong nền kinh tế. Số nhân việc làm là 0,06 nên việc tăng thuế thuốc lá sẽ không gây ra tác động dài hạn khi xét về số việc làm có thể mất đi. Sở dĩ có kết quả này là do ngành thuốc lá không phải là đầu vào của nhiều ngành khác, trong khi các ngành trong nước lại không phải là nguồn cung cấp đầu vào cho ngành thuốc lá do ngành này chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Từ đó, các tác giả gợi ý rằng việc kiểm soát thuốc lá cần thực hiện đồng bộ các biện pháp ở cả phía cung và cầu của ngành này.
Tác động của chính sách tăng thuế thuốc lá tới tổng việc làm của nền kinh tế là tích cực hay tiêu cực còn tùy thuộc vào sự dịch chuyển của tiêu dùng và đặc điểm nền kinh tế của mỗi quốc gia. Thông qua tổng quan các kết quả nghiên cứu về tác động của tăng thuế đến việc làm tại các nước có thể rút ra hai kết luận sau đây:
Thứ nhất, nếu ngành thuốc lá chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế và có mối quan hệ ngành (theo cả chiều dọc và chiều ngang) với các ngành khác ở mức độ nhỏ thì việc tăng thuế để giảm nhu cầu tiêu thụ sẽ có tác động tích cực đến việc làm do việc chuyển dịch chi tiêu từ thuốc lá sang các hàng hóa, dịch vụ khác sẽ kích thích đầu tư, tạo việc làm.
Thứ hai, nếu ngành thuốc lá chiếm tỷ trọng lớn thì tăng thuế thuốc lá sẽ làm giảm số lượng việc làm trong ngắn hạn (và độ lớn tùy thuộc vào độ co giãn của sản lượng với giá cả) và vì thế mà tác động tới việc làm trong dài hạn - của ngành thuốc lá nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung - phụ thuộc nhiều vào những chính sách hỗ trợ từ chính phủ cho lao động và doanh nghiệp sản xuất thuốc lá.
Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra tăng thuế thuốc lá tác động làm gia tăng tổng sản lượng và việc làm của nền kinh tế nói chung. Vì vậy, chúng ta không cần lo ngại về việc tăng thuế làm giảm việc làm. Chính phủ nên tiếp tục thực hiện các biện pháp tăng thuế thuốc lá mạnh mẽ hơn để hạn chế tiêu dùng và các tác hại của thuốc lá.
Cũng cần phải lưu ý rằng, các biện pháp kiểm soát thuốc lá sẽ làm giảm sản lượng trong ngành công nghiệp thuốc lá và tác động tiêu cực lên công ăn việc làm trong ngành. Người lao động trong các lĩnh vực trồng thuốc lá và phân phối thuốc lá được đánh giá cao về tính linh hoạt, tức là họ có thể chuyển đổi công việc khá dễ dàng và nhanh chóng. Tuy nhiên, đối với một số vùng thì việc chuyển đổi cây trồng sẽ gặp khó khăn vì thế chính phủ cần có các biện pháp hỗ trợ người nông dân. Đồng thời, trong lĩnh vực sản xuất thuốc lá điếu, lao động có thể khó khăn hơn để tìm công việc mới. Vì thế, nếu có một kế hoạch trước khi chính phủ tăng thuế thuốc lá thì có thể giúp người lao động trong lĩnh vực này chuyển đổi tay nghề, tạo nguồn thu nhập mới.
Giang Thanh Long
(Viện trưởng Viện chính sách công và quản lý, Đại học kinh tế quốc dân)