Thuê chồng làm đám cưới cho cha mẹ vui lòng
Thy thuê người đóng giả người yêu, sau đó tổ chức đám cưới hoành tráng. Ba mẹ cô trẻ ra mười tuổi khi chứng kiến cô rạng rỡ trong ngày vui.
“Cho thuê bà sui: 300 - 400K, cô dâu: 500 - 600K, chú rể: 300 - 400K…”. Sáng sớm, nhìn tấm ảnh trên tường nhà chị bạn, tôi không nhịn được cười. Mọi người hào hứng bình luận: “Già không có việc gì làm, làm bà sui thuê kiếm tiền được à”, “Em muốn thuê chú rể chị ơi”, “Hội chị em mình lập group cho thuê trọn gói được nè”…
Chuyện cho thuê cô dâu, chú rể, thậm chí là ông bà sui… không phải chuyện hiếm. Nhiều Việt kiều về nước cưới vợ, muốn lễ cưới diễn ra trọn vẹn, đẹp mặt hai họ nên thuê người đóng vai ba mẹ để làm sui. Chuyện này đôi khi cần thỏa thuận trước với nhà gái để không ai thắc mắc “sao thằng rể không giống ba má nó”, hoặc phòng hờ chuyện đổ bể, chú rể bị hủy hôn chứ chẳng chơi.
Dịch vụ cho thuê từ trang phục đến bà sui, dâu, rể... (Ảnh từ Facebook) |
Thuê người làm ông bà sui là chuyện nhỏ, thuê luôn chú rể mới đáng nói. Chuyện xảy ra mấy năm trước ở xóm tôi tới giờ vẫn còn là đề tài bàn tán của mọi người.
Thy là cô gái xinh đẹp, giỏi giang. Kiếm được nhiều tiền nên Thy chu cấp cho ba mẹ rất mạnh tay. Các bà mẹ trong xóm hay lấy Thy làm hình mẫu để rèn dạy con cái. Ngôi nhà Thy xây cho ba mẹ rất hoành tráng. Mỗi ngày có người giúp việc tới nhà quét sân, đi chợ. Tuổi già, ba mẹ Thy thong dong chăm kiểng, nuôi bồ câu làm thú vui. Cuộc sống như mơ của ông bà khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Điều ba mẹ chưa hài lòng là Thy đã 37 tuổi vẫn chưa lập gia đình. Tuổi đó, ở quê là đã ế. Mỗi lần cô đưa bạn bè về nhà chơi, ông bà khấp khởi mừng. Khen “thằng A (hoặc thằng B, C…) coi được quá, sao con không chọn nó?”.
Khổ nỗi, người đẹp trai thì không giỏi kiếm tiền. Người giỏi kiếm tiền thì hay tính toán chi ly. Người rộng rãi quá thì không biết làm ăn… Người ta hay nói phụ nữ giỏi hay nhìn cao. Thy không nhìn cao, chỉ nhìn thấu đàn ông. Trong mắt Thy ai cũng có khuyết điểm nên cô không chọn được anh nào.
Lần đó, ba Thy bị tai biến, may là qua khỏi. Ông nói tâm nguyện trước lúc nhắm mắt là muốn thấy Thy yên bề gia thất. Vài ba năm nữa ông bà khuất núi, nghĩ cảnh bỏ Thy bơ vơ một mình, ông rất đau lòng.
Để đám cưới diễn ra trọn vẹn, có rất nhiều thủ tục. Khi không đủ vai, phải thuê là chuyện bình thường. (Ảnh minh họa) |
Thy nhói lòng, đau đầu nghĩ cách hoàn thành tâm nguyện cho cha mẹ. Cô thuê người đóng giả người yêu, sau đó tổ chức đám cưới hoành tráng. Ba mẹ cô như trẻ ra mười tuổi khi chứng kiến cô rạng rỡ trong ngày hôn lễ.
Lỡ leo lưng cọp rồi phải leo luôn. Lễ tết, Thy chi thêm tiền để chồng hờ cùng về thăm nhà, diễn vai vợ chồng hạnh phúc cho ba mẹ cô vui.
Mới đây, ba mẹ Thy hối thúc cô sinh con cho ấm cửa ấm nhà. Thy hoảng, thuê chồng thì được, vụ con cái mới khó. Anh chồng hờ nói dễ ợt, muốn có con thì chi thêm tiền, đẻ hai ba đứa cũng được luôn…
Chuyện đổ bể khi có lần Thy và chồng hờ cãi nhau, ba mẹ cô nghe được. Ông bà sốc, nhập viện mấy ngày. Nhờ bà con lối xóm an ủi, ba mẹ cô dần bình tâm, cảm thông và tha thứ cho con gái.
Quan niệm hôn nhân của người già, nhất là người ở quê còn rất bảo thủ. Trai gái lớn lên phải lấy vợ lấy chồng, sinh con mới đúng hình mẫu một gia đình trọn vẹn. Giới trẻ thì thích tự do. Mục đích của họ là kiếm thật nhiều tiền, công việc thăng tiến, khám phá thế giới, hưởng thụ cuộc sống muôn màu... Quan điểm của hai thế hệ già - trẻ không gặp nhau nên mới có chuyện thuê rể, dâu cho cha mẹ vui lòng.
Có cầu mới có cung, các dịch vụ cho thuê đồ giả kiểu này sẽ còn sống khỏe một khi người ta còn xem trọng cái nhìn của xóm làng, còn đòi hỏi hình mẫu gia đình truyền thống. Mà, cái gì giả thì trước sau người ta cũng biết giá trị thật của nó, khi đó còn bẽ bàng và đau xót hơn.
Theo www.phunuonline.com.vn