Thực hư tên lửa SAM-2 "nối tầng" hạ Pháo đài bay B - 52 (phần I)
Pháo đài bay B-52 - niềm tự hào của không lực Mỹ
Được phát triển từ nền tảng chiến lược sử dụng máy bay ném bom chiến lược từ thế chiến thứ 2 (B-17, B-29), B-52 có hình dáng tương đồng với thế hệ máy bay ném bom chiến lược trước đó là B-47 Stratojet. Với chiều dài thân máy bay 50m, cao 12,4m và sải cánh rộng tới 56,4m, B-52 lớn hơn người tiền nhiệm B-47 rất nhiều và là máy bay ném bom chiến lược lớn nhất thế giới thời kỳ đó (trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 200 tấn, trong đó có 40 tấn vũ khí).
Máy bay B-52 thực sự là kho bom đạn bay trên không. |
Pháo đài bay B-52 hoạt động được trên bầu trời nhờ 8 động cơ phản lực cánh quạt Pratt & Whiteney TF33-P-3/103 (trong trường hợp trúng đạn, với 4 động cơ, B-52 vẫn có thể thoát hiểm bay trở về). Tốc độ bay trung bình của B-52 vào khoảng 1.000km/giờ, tầm bay 12.000km và trần bay cao khi cần có thể đạt 15km. Kíp lại của B-52 gồm 6 người: Chỉ huy, phi công, sĩ quan ra-đa, sĩ quan hoa tiêu, sĩ quan tác chiến điện tử và xạ thủ súng máy ngồi ở đuôi máy bay.
Vũ khí tấn công của B-52 là các dây bom (khoảng 100 quả) lắp trong thân và dưới cánh. Khả năng phòng ngự của dòng máy bay ném bom chiến lược này là một tháp pháo M61 Vulcan 20mm để tự vệ trước máy bay hoặc tên lửa của đối phương.
Khi tham chiến tại Việt Nam, hầu hết máy bay B-52 sử dụng 2 căn cứ không quân Utapao (Thái Lan) và Anderson (Guam).
B-52 cất cánh từ căn cứ Anderson (Guam) tham gia chiến dịch Linebacker II (Điện Biên Phủ trên không). |
Trong chiến dịch Linebacker II năm 1972 (Điện Biên Phủ trên không theo cách gọi của ta), với mục đích “đưa miền Bắc Việt Nam về thời kỳ đồ đá” và tạo thế thuận lợi trên bàn đàm phán hiệp định Paris, quân đội Mỹ đã tung ra con bài chiến lược của mình là 193 máy bay B-52D/G (chiếm gần 50% số B-52 của không quân chiến lược). Trong đó, đáng chú ý là phiên bản B-52G với nhiều tính năng hàng không hiện đại bậc nhất của Mỹ như:
- Trang bị động cơ phản lực Pratt & Whiteney J57-P-43W mới cho phép nâng trọng lượng cất cánh tối đa từ 200 lên 221 tấn.
- Thiết kế cánh máy bay được thay đổi cho phép treo thêm 2 thùng dầu phụ có dung tích 2.650 lít; khoang lắp đặt thiết bị điện tử của máy bay được mở rộng (ra-đa ngắm bắn AN/ASG-15 và hệ thống gây nhiễu mới). Theo một số tù binh phi công Mỹ bị ta bắt giữ, chỉ riêng hệ thống gây nhiễu trên B-52G đã có giá tương đương một chiến đấu cơ F-4D.
Là máy bay ném bom chiến lược, B-52 không bao giờ hoạt động đơn độc, mà luôn có các phi đội chiến đấu cơ hộ tống. |
Để nâng cao khả năng sống sót của máy bay, B-52G được lắp 4 đạn tên lửa "chim mồi" ADM-20 Quail (chim cút). Khi được phóng, ADM-20 sẽ giả lập tín hiệu giống máy bay B-52 để thu hút đạn tên lửa không đối không, đất đối không thay cho B-52. Ngoài ra, B52G còn được trang bị 16 máy gây nhiễu điện tử tích cực, 2 máy gây nhiễu tiêu cực và 2 máy thu tần số ra-đa đối phương để tạo màn nhiễu dày đặc che toàn bộ máy bay trước hệ thống ra-đa, tên lửa phòng không của đối phương. Các thiết bị này sẽ tự động thu, phân tích tần số sóng ra-đa của đối phương và cung cấp cho sĩ quan điều khiển để lựa chọn phát tần số sóng để chế áp.
Với vai trò là máy bay ném bom chiến lược, các phi đội B-52 không hoạt động độc lập mà được hộ tống bởi các máy bay trinh sát điện tử EA-6A, EB-66, EC-121 và các chiến đấu cơ F-4, F-105, A-6, A-7 với các thiết bị gây nhiễu chủ động và thụ động đi kèm. Trong chiến dịch 12 ngày đêm, rất nhiều phi đội F-4 đã giả lập tín hiệu nhiễu của B-52 hòng lừa lưới lửa phòng không của ta.
Khả năng tự vệ cứng hạn chế của B-52, do nhiệm vụ này đã được các máy bay hộ tống đảm nhiệm. |
Điểm đáng chú ý trong khả năng gây nhiễu của không quân Mỹ là sử dụng các máy bay F-4 thả các "bom" gây nhiễu gồm hàng triệu triệu sợi kim loại màu bạc, rất mỏng, nhẹ (mỗi quả bom chứa 450 bó nhiễu). Trên màn hình ra-đa, các sợi kim loại gây nhiễu này có thể gây nhẹ thì làm ra-đa không thể nhận diện được các mục tiêu, nặng thì trắng màn hình (mất hoàn toàn khả năng theo dõi và bám mục tiêu).
Theo TUẤN SƠN (QĐND)
(còn nữa)