Thực hư số ca tử vong do Covid-19 ở Triều Tiên
Chuyên gia tại Đại học Y Harvard nhận định xét trên quy mô số ca mắc Covid-19, Triều Tiên có thể có hàng chục nghìn trường hợp tử vong.
Hôm 19/5, Triều Tiên thông báo nước này có thêm 262.270 ca có triệu chứng mắc Covid-19, giữa lúc số trường hợp mắc bệnh tăng lên gần 2 triệu chỉ một tuần sau khi chính quyền Bình Nhưỡng chính thức thừa nhận dịch bệnh đã bùng phát. Tốc độ ngăn chặn dịch bệnh lây lan ở Triều Tiên cũng đang rất chậm, do quốc gia này thiếu các nguồn lực y tế.
Giữa lúc nền kinh tế đang vô cùng bấp bênh do tác động của hơn 2 năm phong tỏa biên giới để phòng bệnh, cùng tác động của lệnh trừng phạt, việc dịch bệnh bùng phát càng khiến Triều Tiên rơi vào cảnh khó khăn hơn. Nguồn lực làm xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện các ca mắc Covid-19 ở Triều Tiên cũng chỉ có hạn. Truyền thông nước ngoài nghi ngờ Triều Tiên có thể đã công bố không đúng số ca tử vong vì Covid-19 để tránh gây hoang mang dư luận trong nước.
Binh sĩ Triều Tiên phân phối thuốc tại Bình Nhưỡng giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát. (Ảnh: Kyodo) |
Theo thông báo của trung tâm chống dịch Covid-19 của Triều Tiên, tính tới 18h ngày 18/5, Triều Tiên chỉ có thêm 1 trường hợp tử vong vì Covid-19 nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh lên 63. Song theo các chuyên gia, con số tử vong này là "bất thường", bởi nó chiếm tỷ lệ quá nhỏ so với quy mô ca nhiễm.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, hơn 1,98 triệu người dân nước này đã bị ốm và có triệu chứng bị sốt từ cuối tháng Tư, mà phần lớn bệnh nhân được cho đã nhiễm biến chủng Omicron. Nhung thực tế, cho tới nay, Triều Tiên chỉ xác nhận số lượng ít ca mắc Covid-19 do xét nghiệm vẫn còn là chuyện hiếm ở nước này. Còn hiện tại, 740.160 người đã bị cách ly, theo KCNA.
Sau hơn 2 năm khẳng định chưa phát hiện bất cứ trường hợp nào mắc Covid-19, tới ngày 12/5, Triều Tiên lần đầu tiên thừa nhận có 1 ca mắc Covid-19. Ngoài ra, quá trình làm xét nghiệm cho người dân ở thủ đô Bình Nhưỡng cũng cho thấy nhiều trường hợp đã nhiễm biến chủng Omicron.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gọi bệnh bùng phát là “biến động cực lớn”, đồng thời cho áp đặt các biện pháp phòng dịch tối đa như cấm người dân và hàng hóa di chuyển giữa các thành phố và vùng miền.
Ngoài ra, ông Kim cho huy động hơn 1 triệu nhân viên đi truy vết và cách ly những người có biểu hiện mắc Covid-19 như sốt. Hàng nghìn binh sĩ cũng được lệnh đi hỗ trợ vận chuyển thuốc men trong khu vực thủ đô Bình Nhưỡng.
Những bức ảnh được truyền thông quốc gia Triều Tiên công bố cho thấy, các nhân viên y tế mặc bộ bảo hộ màu trắng và cam đứng canh gác ở những con đường bị phong tỏa, tiến hành khử trùng nhiều tòa nhà và vận chuyển thực phẩm cũng như các nhu yếu phẩm tới khu vực phong tỏa.
Song theo KCNA, nhiều nhóm công nhân vẫn tiếp tục làm việc trên các cánh đồng, mỏ khai thác, nhà máy điện và công trường xây dựng để hiện thực hóa những mục tiêu kinh tế mà Chủ tịch Kim đã đề ra.
Giới chuyên gia cho rằng ông Kim không thể để Triều Tiên "bất động" trong lúc chống dịch, bởi nền kinh tế nước này vốn bị tác động lớn từ sự quản lý yếu kém, ảnh hưởng của lệnh trừng phạt liên quan tới tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân, cùng lệnh phong tỏa biên giới suốt hơn 2 năm để phòng dịch.
Triều Tiên đang cho tăng cường nỗ lực bảo vệ mùa màng khi mùa hạn hán sắp tới, cũng như tránh để đất nước rơi vào cảnh mất an ninh lương thực trầm trọng.
KCNA cho biết thêm các dự án xây dựng quan trọng của ông Kim như xây 10.000 căn nhà mới ở thị trấn Hwasong đang được “thúc đẩy như kế hoạch đã định”.
“Mọi lĩnh vực của nền kinh tế quốc gia đang đẩy mạnh sản xuất tối đa, những phương pháp chống dịch mà đảng và nhà nước đặt ra cũng đang được giám sát chặt chẽ”, KCNA nhắc tới các biện pháp phòng dịch được thi hành tại nơi làm việc như giới hạn di chuyển và phân thành các nhóm nhỏ công nhân tùy theo yêu cầu công việc.
Ông Kee Park, chuyên gia y tế toàn cầu tại Đại học Y Harvard, người từng làm việc với các dự án chăm sóc y tế tại Triều Tiên, cho hay số lượng ca mới mắc Covid-19 tính theo ngày ở Triều Tiên bắt đầu giảm xuống là nhờ các biện pháp phòng dịch tăng cường.
Nhưng dịch bệnh vẫn đang là thách thức với Triều Tiên khi quốc gia này phải cùng lúc điều trị cho số lượng lớn bệnh nhân và số ca tử vong có khả năng lên tới hàng chục nghìn người khi tính trên quy mô ca mắc, ông Park nói thêm.
Hiện chưa rõ chính phủ Triều Tiên có đồng thuận nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài để chống dịch Covid-19 hay không. Bởi trước đó, Triều Tiên đã từ chối nhận hàng triệu liệu vắc xin Covid-19 nằm trong chương trình phân phối COVAX của Liên Hợp Quốc. Thậm chí, chính quyền Bình Nhưỡng cũng không nhận vắc xin Covid-19 của hãng Sinovac Biotech, Trung Quốc.
Ông Kim Tae-hyo, phố cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, cho biết Triều Tiên đã phớt lờ nhiều lời đề nghị hỗ trợ từ phía Mỹ và Hàn Quốc để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể chỉ sẵn lòng nhận sự hỗ trợ từ đồng minh lớn là Trung Quốc.
Thành phố ở Trung Quốc tặng tiền cho người dân tự nguyện đi xét nghiệm Covid-19
Một thành phố nằm gần Thượng Hải thông báo tặng tiền cho những cá nhân tự nguyện tham gia lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đại trà.
Minh Thu (lược dịch)