Thứ trưởng Bộ Y tế: "Cách ly F1 tại nhà cần hết sức thận trọng"
TPHCM sẽ thí điểm cách ly F1 tại nhà sau khi có gần 1.000 ca mắc, hơn 33.000 người phải cách ly y tế. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng việc này cần đảm bảo để không lây lan dịch ra diện rộng.
Liên quan đến việc thí điểm cách ly F1 tại nhà của TPHCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết về vấn đề cách ly các trường hợp F1 tại nhà, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng đã có chỉ đạo.
"Theo đó, khi số lượng F1 tăng lên, khó giải quyết chỗ cách ly tập trung thì TPHCM có thể thí điểm áp dụng cách ly F1 tại nhà. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Y tế là việc này cần tiến hành hết sức thận trọng, đảm bảo không lây lan dịch ra diện rộng", Thứ trưởng Sơn nói.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng cho biết việc cách ly F1 tại nhà đã được Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đưa ra để áp dụng thí điểm tại Bắc Giang và Bắc Ninh. Tình huống này được đặt ra khi số lượng F1 quá nhiều, vượt quá khả năng đáp ứng của các khu cách ly tập trung.
Theo chuyên gia, khi số ca F0 tăng lên, kéo theo số lượng F1 tăng lên theo thì phương án cách ly tại nhà là cần thiết, để giảm sự quá tải của các khu cách ly tập trung. Lý do vì khu cách ly tập trung bị quá tải, có quá nhiều người ở trong cùng một phòng, không đủ nhân viên quản lý, phục vụ có thể dẫn đến lây chéo và thực tế vừa qua cũng đã xảy ra.
Tuy nhiên, TS Phu cũng lưu ý cần chia F1 thành 2 loại: F1 có nguy cơ lây cao (tiếp xúc quá gần với F0, hoặc cùng lao động, sinh hoạt trong không gian khép kín với F0) và F1 có nguy cơ lây thấp hơn. Những trường hợp có nguy cơ cao vẫn cần được đưa đi cách ly tập trung, các F1 nguy cơ lây thấp thì có thể được cách ly tại nhà. Việc phân loại này sẽ do y tế địa phương đánh giá.
Chuyên gia cũng đặc biệt nhấn mạnh dù cách ly y tế tại nhà hay cách ly y tế tập trung thì vẫn cần phải đảm bảo theo đúng quy định của Bộ Y tế. Chẳng hạn, một người được cách ly tại nhà khi có những điều kiện như có phòng riêng, phòng cách ly đảm bảo thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng, nơi cách ly; không được đi ra khỏi nhà để tránh lây bệnh ra cộng đồng… Lực lượng giám sát những người cách ly tại nhà cũng đóng vai trò quan trọng.
"Người được cách ly tại nhà nếu không tuân thủ những quy định cách ly, có thể sẽ bị xử phạt theo pháp luật về vi phạm cách ly y tế trong phòng chống dịch", TS Phu nhấn mạnh.
Chỉ trong thời gian ngắn, số ca Covid-19 tại TPHCM đã tăng lên gần 1.000, kéo theo đó số trường hợp phải cách ly y tế cũng lên đến hơn 33.000. Trong đó, khoảng 12.000 người đang cách ly tập trung, hơn 21.000 trường hợp cách ly tại nơi lưu trú. Thành phố đang chủ động mở rộng thêm khu cách ly tập trung, đồng thời cân nhắc thí điểm phương án tổ chức cách ly tại nhà cho các trường hợp F1.
Tính đến 6h ngày 16/6, Việt Nam có tổng cộng 9.657 ca ghi nhận trong nước và 1.647 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 8.087 ca, trong đó có 1.765 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 23 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Trà Vinh) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Theo dantri.com.vn