Thời hạn GPLX 5 năm hay 10 năm không làm thay đổi nguy cơ tai nạn
Theo Thượng tá CSGT, đề xuất rút ngắn thời hạn GPLX xuống 5 năm không thay đổi bản chất của việc giảm thiểu tai nạn giao thông mà chỉ làm khó dễ, gây phiền hà cho những người sử dụng giấy phép lái xe đến thời hạn phải đổi.
Rút ngắn thời hạn GPLX xuống 5 năm chỉ làm khó dễ, gây phiền hà cho những người sử dụng giấy phép lái xe đến thời hạn phải đổi (Ảnh minh hoạ) |
Đề xuất rút ngắn thời hiệu giấy phép lái xe từ 10 năm xuống 5 năm đối với hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE tại dự thảo (lần 5) Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhằm mục đích "quản lý sức khỏe của tài xế tốt hơn". Tuy nhiên, khi thông tin này được đưa ra bàn thảo, có nhiều ý kiến chỉ ra những điểm không phù hợp.
Theo quy định hiện nay, bằng lái B1, B2 cấp cho tài xế ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; ô tô tải, máy kéo trọng tải dưới 3.500kg có thời hạn 10 năm. Bộ Công an đề xuất các loại bằng lái này sẽ chỉ còn hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày cấp.
Với kinh nghiệm của bản thân sau nhiều năm thực thi nhiệm vụ là một cảnh sát giao thông trước đề xuất này, tôi xin đặt ra mấy câu hỏi như sau:
Trong quá trình điều tra khám nghiệm các vụ tai nạn giao thông (TNGT), có bao nhiêu trường hợp mà nguyên nhân do lái xe không đủ sức khoẻ khi quá thời hạn cấp đổi bằng lái, nếu áp dụng quy định thời hạn 5 năm đối với hạng B1, B2?
Trong quá trình thu cấp đổi giấy phép lái xe, các cơ quan chức năng đã từ chối cấp lại giấy phép lái xe cho bao nhiêu trường hợp không đủ điều kiện, không đủ sức khoẻ?
Việc rút ngắn thời hạn cấp đổi giấy phép lái xe từ 10 năm xuống 5 năm đó có làm thay đổi bản chất của các vụ TNGT hay không, khi trên thực tế, với những người điều khiển phương tiện mô tô (bằng lái không quy định thời hạn) nhưng tại nạn vẫn nhiều thế?
Giấy phép lái xe được coi như chứng chỉ hành nghề, quy định người tham gia giao thông được pháp luật công nhận đủ điều kiện lái xe.
Quan trọng là ý thức của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Nếu người ta không đủ sức khoẻ thì người ta có cầm tay lái không? Bởi vì "sinh có hạn, tử bất kỳ", chẳng nói trước được điều gì. Có thể sức khoẻ của người ta hôm nay rất tốt, nhưng ngày mai sức khoẻ có vấn đề bất ngờ ập đến.
Khi không đủ sức khoẻ thì tài xế không thể làm chủ được phương tiện. Nếu sức khoẻ không đảm bảo thì sẽ gây nguy hiểm cho chính tài xế và những người tham gia giao thông trên đường.
Bản thân tài xế có thể không trực tiếp va chạm với người khác, nhưng khi xử lý tình huống không kịp thời sẽ dẫn tới hậu họa liên hoàn đằng sau, không thể lường hết được, mà rất có thể tình huống tai nạn ấy chưa đến thời hạn 5 năm để cấp đổi giấy phép lái xe theo như dự thảo mới. Do đó, việc “đảm bảo sức khoẻ cho lái xe” là ý thức tự giác của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Như tôi phân tích ở trên, cần nhất là sự chủ động của người tài xế khi điều khiển phương tiện.
Kể cả với doanh nghiệp, khi sử dụng người lao động làm nhiệm vụ lái xe thì cũng phải thường xuyên kiểm tra sức khoẻ cho họ, đừng để tới 6 tháng mới cho đi kiểm tra sức khoẻ một lần.
Thay vào quy định rút ngắn thời hạn của bằng lái hạng B, nên tuyên truyền rộng rãi để người lái xe tự ý thức, nếu thấy nghi ngờ sức khoẻ thì tự mình nên đi kiểm tra sức khoẻ để đảm bảo an toàn khi điều khiển phương tiện. Việc làm này vừa đảm bảo tài sản cho cá nhân, doanh nghiệp; vừa bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho lái xe; và hơn hết là tính mạng của những hành khách ngồi trên xe cũng như những người tham gia giao thông khác.
Thiết nghĩ, đề xuất rút giấy phép từ 10 năm xuống 5 năm không thay đổi bản chất của việc giảm thiểu tai nạn giao thông mà chỉ làm khó dễ, gây phiền hà cho những người sử dụng giấy phép lái xe đến thời hạn phải đi đổi lại.
Nếu trong quá trình đổi giấy phép lái xe lại kèm theo sát hạch thì cũng giống như thi đại học, sau 5- 10 năm lại "sát hạch" kiến thức.
Lái xe là môn thực hành, phải lái nhiều mới có kỹ năng để xử lý tình huống trên đường.
Nhiều trường hợp đỗ trên sân tập, sa hình… nhưng chưa chắc đã lái được ngoài đường. Trên đường sẽ có rất nhiều tình huống xảy ra, đòi hỏi người lái xe phải tự giải quyết. Ngược lại, cũng có những người lái xe trên đường rất tốt nhưng khi thi chưa chắc đã đỗ nếu không học lý thuyết và luyện thực hành trên sân tập.
Giấy phép lái xe chỉ là điều kiện. Người lái xe đòi hỏi phải có ý thức chấp hành luật giao thông, chấp hành quy tắc giao thông. Đặc biệt, phải biết lắng nghe cơ thể của chính bản thân mình - đảm bảo sức khoẻ thì mới ngồi sau vô lăng; nếu không thì tuyệt đối không cầm lái.
Điều này cũng phù hợp với xu hướng của quốc tế. Nhiều nước phát triển, giấy phép lái xe hạng B1, B2 là không có kỳ hạn, trừ những trường hợp đặc biệt. Theo đó, với những lái xe riêng của gia đình thì không có thời hạn, người 70-80 tuổi nếu đủ sức khoẻ vẫn lái bình thường. Còn với những lái xe trong các công ty vận tải hành khách, các công ty kinh doanh vận tải hàng hoá thì họ lại quy định theo độ tuổi (chỉ được phép hành nghề đến 55 tuổi) mà thôi.
Ghi theo lời Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên cán bộ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội