Thoát dương tính vẫn bị hàng xóm réo: "Con Covid kia mày còn bệnh không đấy?"
Khi vừa về đến đầu ngõ đã có người réo hỏi chị H: “Con Covid kia, mày còn bệnh không đấy?”. Sự kỳ thị không đáng có đối với những người đã chữa trị khỏi Covid-19 khiến họ khó trở lại cuộc sống bình thường hơn.
Bị kỳ thị gọi là con Covid
Chị H. sinh năm 1979, trú tại Tam Trinh, Hà Nội là bệnh nhân Covid-19 N195 làm việc tại công ty Trường Sinh hồi tháng 3 vừa qua. Sau khi điều trị xong Covid-19 cũng là lúc chị H. mất việc phải tìm công việc khác cho mình. Nhớ lại những ngày tháng buồn bã đó, chị H. vẫn chỉ muốn khóc.
Cảm giác khi được “bốc” đi viện vẫn như vừa mới hôm qua, lo lắng, mệt mỏi. Những ngày đầu vào viện là chuỗi ngày khủng khiếp với chị. Không phải là do bệnh tật mà áp lực từ mạng xã hội. Nhiều người ta không tiếc lời mắng mỏ chị trên facebook, cho rằng chị trốn viện về nhà đến nỗi công an phải đến nhà dẫn giải đi viện.
Chị H. kể dù khỏe mạnh nhưng chị cũng nằm viện gần 2 tháng mới được ra viện vì trong phòng bệnh có người tái dương tính trở lại. Cùng cảnh bệnh nhân, chị em dễ chia sẻ tâm sự với nhau. Song vẫn có những người buồn chán đến trầm cảm, mất ngủ, rất đáng thương vì bị hàng xóm, đồng nghiệp mỉa mai, mắng mỏ vì họ phải cách ly do tiếp xúc với các chị.
Ngày ra viện, chị về nhà tự cách ly 1 tháng và được xét nghiệm đều âm tính. Nhưng công việc 18 năm qua của chị cũng chấm dứt. Dù người nhà động viên nghỉ ngơi thêm một thời gian nhưng chị bảo, càng ở nhà càng suy nghĩ. Chị H. lại bắt đầu đi tìm việc.
Thời dịch dã tìm việc khó khăn, nhiều người bình thường còn mất việc huống chi chị vừa điều trị Covid-19. Ai nghe xong cũng e dè, ngần ngại. Dù được xét nghiệm 5 lần tại nhà đều cho kết quả âm tính nhưng trong tâm trí chị H. cảm thấy mình chưa thoát ra khỏi được căn bệnh.
Vào group những bệnh nhân Covid-19, chị H. lại càng thấu hiểu những vất vả của họ. Có người khỏi bệnh, về nhà vẫn không dám mở cửa, không dám gặp ai vì vẫn sợ tái dương tính rồi phiền lụy tới người khác.
Nhớ lại việc, sau khi ở bệnh viện điều trị gần 2 tháng, 1 tháng cách ly tại nhà và thêm thời gian tự nghỉ ngơi cho an toàn chị mới dám sang Gia Lâm thăm bố mẹ đẻ và con trai.
Khi vừa về đến đầu ngõ đã có người réo hỏi chị H. “Con Covid kia, mày còn bệnh không đấy?”.
Câu nói của người nọ như nhát dao cứa vào lòng chị. Chị chẳng biết trả lời sao, bước lặng lẽ vào nhà mình. Chị chỉ hi vọng mọi chuyện sẽ sớm nguôi ngoai.
Mãi gần đây, chị H. mới tìm được công việc làm bảo vệ kho. Chị H. kể chị chọn công việc này vì ít tiếp xúc với người khác.
Sau khi khỏi bệnh về nhà, nhiều người từng dương tính Covid-19 vẫn bị kỳ thị |
“Kỳ thị nhiều lắm”
Anh H. D. D., 42 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội, bệnh nhân Covid-19 số 109 là người được cách ly ngay khi nhập cảnh. Anh D. vốn là giảng viên của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Anh D. sang Anh công tác và về nước ngày 15/3/2020 (quá cảnh qua Bangkok, Thái Lan và về Việt Nam trên chuyến bay TG560), sau đó được chuyển cách ly tập trung tại Trường Quân sự thị xã Sơn Tây.
Kết quả xét nghiệm lần 1 khi nhập cảnh ngày 15/03/2020 âm tính, nhưng 5 ngày sau anh bị sốt. Khi được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh cách ly và điều trị, anh nhận kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Những ngày bị bệnh, anh D. đau đầu, sốt cao và thể trạng tốt nên anh cũng được khoẻ nhanh. Cuối tháng 4 anh D. ra viện. Khi ra viện anh cách ly tại nhà 1 tháng rồi đi làm trở lại.
Anh D chia sẻ, do bạn bè, đồng nghiệp đều là người có tri thức nên cũng không có kỳ thị gì người bệnh Covid-19 nhưng nhiều người anh D. quen trong khu cách ly hoặc bạn bè về trước mắc Covid-19 đều khổ sở vì bị kỳ thị, gia đình, con cái cũng ảnh hưởng. Khỏi bệnh đi làm còn è dè vì sợ ánh mắt của người khác.
Anh D. nói, người từng dương tính nhưng đã được điều trị, được cơ quan y tế công bố khỏi bệnh, thực hiện cách ly thêm tại bệnh viện, tại nhà với nhiều lần xét nghiệm âm tính thì cộng đồng không nên kỳ thị họ bởi họ đã hoàn toàn bình thường.
Một đợt bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh. |
Còn anh D. ngày 14/8 anh được bệnh viện giới thiệu đến Bệnh viện Vinmec lấy huyết tương phục vụ nghiên cứu để phục vụ chữa cho những bệnh nhân nặng.
Anh D. chia sẻ mình may mắn là bệnh nhân bình phục nhanh, sức khoẻ tốt nên từ khi ở viện nghe tin có thể dùng huyết tương người bệnh Covid-19 đã chữa khỏi để cứu người bệnh nặng anh đã mạnh dạn đăng ký ngay và khi có đề án công trình nghiên cứu, anh D. đã được bệnh viện liên hệ để lấy huyết tương.
Anh và rất nhiều bệnh nhân khỏi bệnh Covid-19 họ đều hi vọng lan toả được thông điệp hiến huyết tương cho người bệnh nặng có cơ hội hơn và mong cộng đồng đừng quay lưng với người điều trị khỏi.
Khánh Chi
Hà Thu Thảo: Sau 3 tháng căng thẳng tột cùng chữa khỏi Covid-19, tôi hiến huyết tương cứu bệnh nhân nặng
Chị Hà Thu Thảo, nhân viên y tế một trường học ở Thường Tín, Hà Nội là bệnh nhân Covid-19 số 196. Chị là một trong những người đầu tiên đăng ký hiến huyết tương để nghiên cứu chữa trị bệnh nhân nặng và vận động những người khác cùng hiến.
Khánh Chi